Đoạn trường gom đất của các tỷ phú

Minh Huệ Thứ năm, ngày 16/03/2017 17:41 PM (GMT+7)
Để trở thành những tỷ phú, “điền chủ” như ngày hôm nay, những “siêu” nông dân đó đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, cũng như phải chịu đựng những dị nghị, nghi ngờ của dư luận trong quá trình tích tụ đất đai. Bây giờ dù đã có hàng chục, hàng trăm ha đất, song họ vẫn luôn trong tâm thế bất an vì “luật không cho phép”.
Bình luận 0

Để có 120 mẫu đất, phải “năn nỉ” 1.700 hộ

Trò chuyện với Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 Mai Thị Nhung (trú tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, Nam Định), chúng tôi không khỏi ấn tượng khi bà cho biết, để có thể tích tụ được 120 mẫu ruộng như hiện nay, bà đã phải thuyết phục 1.700 hộ dân ở 2 xã Xuân Bắc và Xuân Vinh. Bà Nhung cho biết, đầu tiên vợ chồng bà phải làm đơn lên chính quyền huyện, xã. Khi được chính quyền đồng ý, bà Nhung trực tiếp xuống làm việc với trưởng thôn tại nơi các hộ dân sinh sống. Sau nhiều buổi bàn đi tính lại, tổ chức họp với người dân, cuối cùng bà đã nhận được sự đồng ý của hơn 1.700 hộ của 2 xã để thuê 120 mẫu đất trong thời hạn 10 năm, với giá 50kg thóc/sào/vụ.

Có diện tích đất lớn, song bà Nhung vẫn không hết lo. “Sau 2 năm, tính ra số tiền tôi đầu tư cho diện tích đó đã lên đến cả chục tỷ đồng. Thỏa thuận thuê đất bây giờ là 50 kg/sào/vụ, nhưng 10 năm sau khi mà tôi đã đầu tư xây dựng cơ bản xong xuôi, bà con lại đòi phải nâng cao giá thuê đất thì sao? Lúc đó, nay hộ này đòi đất, mai hộ kia đòi đất, cả cánh đồng 120 mẫu đã liền một dải tôi không biết phải xoay xở thế nào. Do đó, tôi thiết tha mong Đảng, Nhà nước sớm có những thay đổi tích cực về chính sách tích tụ ruộng đất, nới rộng hạn điền để nông dân chúng tôi làm ăn thuận lợi” – bà Nhung nói.

img

  Chị Mai Thị Nhung thuê gom 120 mẫu ruộng của 1.700 hộ dân để xây dựng cánh đồng mẫu lớn.   ảnh: Thu HÀ

Tương tự, nông dân Nguyễn Lợi Đức (tên thường gọi Sáu Đức) ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) nổi tiếng là người đã đưa cây lúa phát triển mạnh mẽ tại “vùng đất chết” Lương Trà An từ những năm 1990. Từ diện tích 3ha giữa vùng đất phèn, qua tìm tòi nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Sáu Đức đã đưa năng suất cây lúa ở đây lên bằng những nơi “bờ xôi, ruộng mật”.

Sau hơn 20 năm cần mẫn khai hoang, đến nay thực tế ông Sáu Đức đã có trong tay 190ha đất. Trong đó, 120ha ông mua của người khác để sản xuất lúa giống, 70ha thuê lại để mở trang trại nuôi gần 1.000 con bò và trồng khoảng 50ha chuối để xuất khẩu. Chưa hết, ông còn có cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, giống phục vụ bà con nông dân. Để “chăm sóc” cho điền trang của mình, ông đầu tư 3 máy cày (600 triệu đồng/máy), 3 máy cắt (500 triệu đồng/máy) và nhiều loại dụng cụ khác.

Ông Sáu Đức nói: “Để mở rộng sản xuất, tôi đã phải đi thuê đất của hàng trăm hộ nông dân với giá 18 triệu đồng/ha/năm. Vì đi thuê đất mần ăn nên phải tính toán rất chi ly, không khéo là lỗ vốn như chơi, chứ chẳng đùa”.

Hiện nay, với cơ ngơi nhà cửa hoành tráng và sở hữu hàng trăm ha đất, ông Sáu Đức được xem là một trong những điền chủ có máu mặt ở miền Tây. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hết lo, bởi quy định hạn điền mỗi người làm chủ 3ha là tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nếu vẫn giữ hạn mức như hiện nay, ngoài việc quy định đã lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại thì nó chính là lực cản cho sản xuất hàng hóa lớn. Sử dụng đất cần lâu dài, nếu nhờ anh em họ hàng đứng tên, sau này có thể nảy sinh những tranh chấp pháp lý rất phức tạp. Mặc khác, nếu muốn sử dụng sổ đỏ đi vay tiền thì phải nhờ người đứng sổ đỏ ký tên rất rắc rối, mất thời gian” – ông Sáu Đức phân tích.

Doanh nghiệp cũng… “sôi nước mắt”

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), năm 2007, cả nước chỉ có 2.397 DN đầu tư vào nông nghiệp thì năm 2016 con số này đã tăng lên 4.080. Quy mô diện tích đất nông nghiệp ở nước ta hiện manh mún, bình quân chỉ khoảng 0,5-0,7 ha/hộ. Trong khi đó, để có thu nhập vượt qua ngưỡng đói nghèo, bình quân mỗi hộ thuần trồng lúa phải có ít nhất 2ha đất trở lên.

Tín hiệu vui là những năm gần đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn, có “máu mặt” rót tiền vào trồng rau, trồng mía, nuôi bò… Họ cũng như những “siêu” nông dân, đều có điểm chung là đam mê lớn với nền nông nghiệp nước nhà. Đã đam mê là phải làm tới cùng. và muốn hơn người khác thì họ đã phải nghĩ ra nhiều cách để có diện tích đất đủ lớn phục vụ sản xuất.

Giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp lừng chừng với các dự án đầu tư vì kinh tế suy thoái, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã gây sự chú ý với dư luận bằng câu nói: “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau 3 năm”. Chưa biết mảnh đất Tây Nguyên sẽ thế nào khi bà Thái Hương rót tiền vào đó, nhưng với vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), thì không đợi đến 3 năm, bộ mặt nông thôn nơi đây đã được khoác lên tấm áo mới. Bà Hương cho biết, không giống như các dự án công nghiệp, để có đất thực hiện các dự án nông nghiệp, chính quyền và doanh nghiệp phải thực hiện cơ chế vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất. Việc này không chỉ mất nhiều thời gian, tiền bạc, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải thuyết phục khéo léo.

Tại Nam Định, để “gom” được 140ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phục vụ dự án sản xuất rau sạch, Tập đoàn Vingroup đã phải vận động, đàm phán với hơn 3.000 hộ nông dân. Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không. Khi đó chính quyền phải tiến hành dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, dồn đổi ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho doanh nghiệp. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem