Chính Minh
Thứ sáu, ngày 04/09/2020 15:10 PM (GMT+7)
Từ khi Đoàn Văn Hậu trở về nước, ống kính giới truyền thông đều tập trung đặc tả thể hình lực lưỡng của cầu thủ trẻ quê lúa Thái Bình. Nhưng với những gì đã đi qua khoảng 3 năm qua, có lẽ đây là lúc Văn Hậu cần học cách thu mình bé lại để thực sự trở thành một "hạt ngọc" của bóng đá Việt Nam.
Cách đây 6-7 năm, thể thao Việt Nam (TTVN) đã trải qua những giây phút lãng mạn khi chứng kiến sự xuất hiện của những "hạt ngọc thô" Học viện HAGL-Arsenal JMG mà nổi bật nhất là những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Trên đường đua xanh, VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên từng bước khẳng định mình ở SEA Games 2013, sau đó "làm mưa làm gió" tại SEA Games 2015, 2017; giành huy chương đồng lịch sử ở ASIAD 2014.
Có cảm giác bóng đá Việt Nam có thể tiệm cận trình độ châu lục ngay được. Có cảm giác như bơi lội sẽ sớm chạm tới tấm huy chương Olympic trong nay mai (?!).
Nhưng thực tế chứng minh, khi lâng lâng nhất cũng là lúc dễ… ngã đau nhất! Có những điều tưởng như rất gần mà lại… rất xa!
SEA Games 2017 chứng kiến thất bại của U22 Việt Nam với đầy đủ anh tài được kỳ vọng. Còn với Ánh Viên, việc đổi màu huy chương ASIAD quá gian nan chưa tính tới việc giành huy chương Olympic.
Cả Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Ánh Viên… về sau đều trải qua những chấn thương hoặc về thể chất, hoặc về tinh thần mà chỉ có ý chí tuyệt vời mới có thể giúp họ chiến thắng chính mình ở độ tuổi 23-25.
Điểm chung giữa họ là đều đi từ cảm giác mình là một ngôi sao, một tài năng hiếm có trở về nhận thức đúng bản thân: Mình chưa là gì cả, chỉ là hạt cát trong sa mạc, trong thế giới thể thao với rất, rất nhiều con người ưu tú.
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường nhận được những bài học quý khi có cơ hội "phiêu lưu" ở nền bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ. Còn Ánh Viên có thời gian tập huấn dài hạn ở Mỹ, có điều kiện thi đấu, cọ xát với nhiều VĐV có trình độ hàng đầu thế giới.
Biên độ dao động cảm xúc chắc chắn là rất lớn và chẳng còn cách nào khác là những tài năng trẻ phải đối mặt. Điều đó không chỉ ở Việt Nam mà ở đâu trên toàn cầu đều như thế!
Trước khi trở thành một siêu sao, Messi biết là anh còn thua xa huyền thoại Maradona, chứ chưa nói đến những "đàn anh" ở Barca như Ronaldinho, Xavi, Iniesta…
Và để có thể đững vững, biết mình là ai, những "người hùng Thường Châu" do HLV Park Hang-seo dẫn dắt phải hiểu họ vẫn có những điểm cần học tập các bậc tiền bối thể thao Việt Nam nói chung, mà gần nhất là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh – người đã giành HCV, HCB Olympic 2016 ở tuổi 42!
… đến Đoàn Văn Hậu!
Trở lại với câu chuyện của tài năng trẻ Đoàn Văn Hậu – người đã và đang được giới truyền thông đặc biệt quan tâm.
Chuyến đi Hà Lan của Văn Hậu chắc chắn vô cùng có ích, nói như bình luận viên Ngô Quang Tùng là "không bổ ngang thì cũng bổ dọc".
Bản thân Đoàn Văn Hậu khi trả lời trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng thừa nhận anh đã học hỏi được rất nhiều khi được tập luyện, khoác chung màu áo SC Heerenveen với những cầu thủ giỏi.
Và tin là Văn Hậu sẽ còn "vỡ" ra nhiều hơn, biết giữ "cái đầu tỉnh táo trên đôi vai của mình" như cách HLV người Pháp Guillaume khuyên Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… - những tài năng do ông trực tiếp đào tạo từ nhỏ cho tới khi tạo dựng được chút tên tuổi ban đầu; nếu anh được thi đấu nhiều hơn ở Hà Lan, thay vì chỉ có khoảng 4 phút ra sân cuối trận cùng SC Heerenveen thắng Roda JC 2-0 ở Cúp QG.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tất cả, đặc biệt là chuyến "du học" của Đoàn Văn Hậu.
Về trực quan, ai cũng thấy thể hình của Đoàn Văn Hậu đã "dày" hơn trước. "Đàn anh" Đức Huy khi nói về Văn Hậu đã thừa nhận: "Văn Hậu cơ bắp hơn, giàu sức mạnh hơn nhiều".
Nhưng nói gì thì nói, tất cả vẫn còn phải chờ kiểm chứng trên sân cỏ V.League. Sắp tới, chắc chắn Văn Hậu sẽ chịu không ít sức ép khi tất cả đều muốn xem anh thực sự khác biệt thế nào sau quãng thời gian ở Hà Lan. Đó là chuyện của số đông, họ được quyền kỳ vọng!
Với bản thân Đoàn Văn Hậu, đây là lúc anh phải biết "làm mới mình" và cứ ra sân với đầy đủ sự khát khao, quyết tâm khẳng định mình rồi những phẩm chất Văn Hậu đã tích lũy được sẽ tự nhiên phát lộ một cách tự nhiên trong từng khoảnh khắc trên sân.
Để khép lại bài viết này, người viết muốn nhắc lại chính suy nghĩ của Văn Hậu khi trả lời báo chí vòng chung kết FIFA U20 World Cup 2017 trở về:
"Đi U20 thế thôi chứ lên V.League là một câu chuyện khác. Em lên đội 1 gần một năm nay, tập cùng các anh lớn xong mới thấy mình nhiều khi như không biết đá bóng. Em còn phải nỗ lực nhiều để khẳng định bản thân".
Năm 2017, Hậu đã ý thức được vị trí của mình và có được những thành công liên tiếp trong 3 năm qua ở mọi cấp độ đội tuyển.
Nhưng đó là khi Hậu "bé thật" so với các "đàn anh" dày dạn kinh nghiệm như Văn Quyết, Thành Lương, Hùng Dũng… ở Hà Nội FC.
Còn bây giờ, Hậu đã lớn rồi, đã cao to thực sự rồi và liệu em có thể "thu mình bé lại" để tiếp tục học hỏi, tiến bộ hơn nữa hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.