Đoàn Văn Hậu về nước: 10 tháng ở Hà Lan thất bại hay thành công?

Thứ hai, ngày 03/08/2020 19:10 PM (GMT+7)
Trong hơn 10 tháng tại SC Heerenveen, Đoàn Văn Hậu chỉ ra sân 4 phút cho đội 1. Nhiều người cho rằng, hậu vệ người Thái Bình đã có một chuyến xuất ngoại thất bại, nhưng thực tế có phải như vậy?
Bình luận 0

Ngày 2/8, Đoàn Văn Hậu đã có mặt tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sau đó nhanh chóng đi cách ly theo quy định của nhà nước, kết thúc những tháng ngày du học tại Hà Lan. Sau 10,5 tháng tại Heerenveen, Văn Hậu học được rất nhiều, tiến bộ rất nhanh và có nhiều thành công nhìn thấy bằng mắt thường nhưng cũng phải trải qua không ít khó khăn, thiếu may mắn, thậm chí là thất bại.

Đoàn Văn Hậu về nước: 10 tháng ở Hà Lan thất bại hay thành công? - Ảnh 1.

Đoàn Văn Hậu.

"Ông Chủ tịch Heerenveen đã rất sốc khi thấy Văn Hậu lấy đồ ăn ở bữa ăn đầu tiên khi gia nhập đội bóng. Tại sao, cầu thủ chuyên nghiệp lại ăn những món như khoai tây chiên? Ông ấy bảo rằng: Ok, khoai tây chiên rất ngon nhưng hy vọng, đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bạn ăn những món không tốt cho các VĐV thể thao nhé", GĐKT Jurgen Gede kể với chúng tôi như vậy về sự non nớt của những ngày đầu "du học" của Đoàn Văn Hậu. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã rất khác rồi, chỉ sau chưa đầy 1 năm.

Trong hơn 10 tháng có mặt tại Heerenveen - Hà Lan, Đoàn Văn Hậu đã trải qua thời gian học hiệu quả nhất trong cuộc đời của mình. Từ một cầu thủ gần như không thể nói được một câu tiếng Anh cho hoàn chỉnh, Đoàn Văn Hậu đã có thể giao tiếp với các đồng đội, HLV ở Heerenveen một cách chủ động và độc lập, không cần có sự hỗ trợ của bất kỳ ai mà không hề tạo ra những sự hiểu lầm. Ngoài sự chăm chỉ học tiếng Anh, Văn Hậu còn được CLB hỗ trợ bằng cách đến sống cùng gia đình bản địa, vừa học ngoại ngữ, vừa hoà nhập với văn hoá. Các ông Bầu ở Việt Nam luôn mong mỏi xuất khẩu cầu thủ nhưng rất ít trung tâm đào tạo trẻ có kế hoạch dạy ngoại ngữ cho các cầu thủ. Ngay như ở HAGL, các cầu thủ đều rất giỏi tiếng Anh nhưng đôi khi cũng vẫn gặp vấn đề về ngôn ngữ bởi họ chuyển sang những nước không nói tiếng Anh như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam mất đi khá nhiều tính chủ động bởi họ được phục vụ gần như tất cả mọi việc, từ chuyện nấu ăn đến những kỹ năng mềm khác. Gia đình Xuân Trường từng kể chuyện vui rằng khi sang Hàn thi đấu, Xuân Trường còn thái thịt bò ngang thớ nên ăn rất dai. Đoàn Văn Hậu cũng không phải ngoại lệ và cầu thủ quê Thái Bình phải học lại từ đầu. Giờ, Văn Hậu không những biết nấu những món theo đúng yêu cầu dinh dưỡng của những VĐV đỉnh cao mà còn biết làm những món châu Âu như một đầu bếp thứ thiệt, từ những món như bít tết bò hay cá hồi, salad… Những đồng đội ở Heerenveen đến nhà chơi, Văn Hậu làm chủ tất cả, từ ngôn ngữ cho đến chuyện bếp núc và nhận rất nhiều lời tán thưởng của anh em, bạn bè.

Nhiều người đặt câu hỏi: cầu thủ giỏi thì hỏi chuyện đá bóng thôi chứ ai quan tâm đến vấn đề bếp núc? Sự thật là chuyện dinh dưỡng cực kỳ quan trọng bởi có lẽ phải 99,99% cầu thủ Việt Nam ăn không đúng cách hoặc ăn toàn những thứ hại cho nghề nghiệp. Các HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam từng đưa ra rất nhiều danh mục những đồ ăn bị cấm mà bất cứ cầu thủ nào cũng không được đụng tới. Thậm chí, có nhiều thứ còn hại hơn cả những chất kích thích như rượu bia và thuốc lá. Hơn nữa, bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ không ăn ở tập trung như ở Việt Nam mà họ chỉ tập cùng nhau và sau đó là về nhà. Khi về nhà, các cầu thủ phải là tất cả trong một của chính mình, là đầu bếp của chính mình, là bác sĩ của chính mình…

Khi còn ở Việt Nam, dù di chuyển nội địa hay quốc tế, Văn Hậu và các đồng đội đều có người hỗ trợ về vé, cửa xuất phát… Như mùa bóng 2019 vừa rồi, các đồng đội của Văn Hậu ở Hà Nội FC, trong đó có Quang Hải, đã lạc ở sân bay tại Nga vì không biết cách tìm đường về cửa máy bay để xuất phát và phải bay chuyến sau. Nhưng giờ, sau hơn 10 tháng ở Hà Lan, Văn Hậu không những có bằng lái ôtô quốc tế và còn tự tin đi khắp nơi mà mình muốn. Phải khẳng định rằng đây là sự tiến bộ rất đáng kể về kỹ năng mềm của Đoàn Văn Hậu. Muốn thành công được ở nước ngoài, cầu thủ Việt Nam buộc phải giỏi những vấn đề nêu trên bởi đó là điều kiện cần của những cầu thủ thành công.

Tất nhiên, khi đánh giá một cầu thủ thành công, chúng ta phải đánh giá qua sự tiến bộ về chuyên môn. Văn Hậu có sự phát triển rất mạnh về cơ bắp và chiều cao. Tới nay, Văn Hậu đã tăng thêm 5cm và 8kg kể từ năm 2017 nhưng cỡ quần áo lại không tăng. Tất cả đều vào cơ, bắp. Nếu so sánh ảnh của Văn Hậu trước và sau khi tới Heerenveen, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ngay lập tức. Để có được thành quả đó, Văn Hậu chăm chỉ thực sự chăm chỉ, đúng cách và tràn đầy động lực. Văn Hậu tập mọi lúc, mọi nơi với suy nghĩ rất tích cực, với hình mẫu là Cristiano Ronaldo.

Giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng, các trợ lý và đồng đội ở Heerenveen đều đánh giá Văn Hậu có sự tiến bộ vượt bậc và ngày càng đáp ứng được nhiều hơn những yêu cầu của CLB. Chúng ta cũng có thể so sánh phong độ, cách chơi và tầm ảnh hưởng của Văn Hậu với các đội tuyển Việt Nam trước và sau khi sang Hà Lan. Ở SEA Games 30, Văn Hậu thực sự toả sáng, công thủ toàn diện và tạo ra sự khác biệt với phần còn lại. Văn Hậu cũng là hậu vệ duy nhất ghi 2 bàn thắng trận chung kết SEA Games trong lịch sử. Khác với những cầu thủ Việt Nam gặp khó khăn khi trở về khoác áo đội tuyển, trong đó có Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu vẫn toả sáng khi đại diện cho quốc gia. Đó cũng là một điều không phải do may mắn. Đó là giá trị của sự tiến bộ và cũng là thành công của Đoàn Văn Hậu mà sự tiếc nuối của Heerenveen cũng phản ánh phần nào quan điểm trên.

Xét trên nhiều khía cạnh, vụ xuất ngoại của Văn Hậu cũng không thể coi là thành công bởi chỉ 4 phút ra sân cơ Cúp QG trong hơn 10 tháng không phải là con số thống kê tốt. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, thời gian Đoàn Văn Hậu chơi cả mùa giải mà vẫn không bằng thời gian bù giờ của một trận đấu. Tuy nhiên, đó là con đường các cầu thủ Việt Nam buộc phải đi, nhất là khi Văn Hậu gần như không có hành trang nào cho chuyến xuất ngoại này. Thất bại, nếu có, của Đoàn Văn Hậu có thể nằm ở sự thiếu may mắn bởi dịch bệnh, bởi sự thu hẹp, thậm chí cắt ngân sách của các nhà tài trợ. Thực tế, đã có nhiều nhà tài trợ sẵn sàng hỗ trợ Văn Hậu và Heerenveen để bản hợp đồng được gia hạn thêm một năm nhưng do dịch bệnh, nhà tài trợ đã rút lui.

Một điều tiếc nuối nữa là sự tin tưởng cho Đoàn Văn Hậu từ phía Heerenveen và Hà Nội FC chưa thực sự cao. Bên phía Heerenveen không dám quyết đoán giữ Văn Hậu lại, dù họ tin rằng mùa 2020-21, Văn Hậu sẽ chơi tốt hơn và được trọng dụng hơn. Phía Hà Nội FC cũng muốn tính chắc cho Văn Hậu nên đề nghị phía Heerenveen phải bảo đảm số lượng trận đấu cho Văn Hậu ở mùa giải mới. Tất cả sự khác biệt, sự xung đột này buộc Văn Hậu phải trả giá bằng cả cơ hội quý giá nhất đời của mình.

"Cách đây bốn năm, tôi đọc một cuốn sách về Memphis Depay và ấn tượng mãi với hình xăm trên ngực anh ấy: "Dream Chaser" - Kẻ săn đuổi ước mơ. Từ một cậu bé nghèo khó, bị bố bỏ rơi, Memphis Depay vươn lên thành một ngôi sao bóng đá đương đại Hà Lan. Tôi mê mẩn từ "Dream Chaser" như tìm được triết lý sống của mình. Tôi viết không biết bao nhiêu lần từ đó ra giấy, dán khắp phòng. Sau này, tôi nghĩ với cầu thủ, thứ quan trọng nhất là đôi giày. Nó như vũ khí của người lính ra trận vậy. Vì vậy tôi quyết định thêu cụm từ đó lên giày - thứ tôi mang theo khắp nơi chứ không phải tấm HC bạc U23 châu Á, kỷ niệm chương vô địch AFF Cup hay tấm HC vàng SEA Games. Tôi muốn tự nhắc mình không bao giờ được dừng lại" - Văn Hậu từng chia sẻ.

Nhưng bây giờ, "Dream chaser" không chỉ xuất hiện trên đôi giầy mà còn được xăm lên da thịt, ngay trước ngực - phía trên con tim đầy khát vọng và nhắc nhớ Văn Hậu từng phút, từng giây…

PV (Theo Starstalk, FPT Play)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem