Doanh nghiệp chăn nuôi đã nỗ lực để... không chết, nhưng sau Tết còn nhiều câu hỏi đặt ra

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 02/01/2024 19:16 PM (GMT+7)
“Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương nhiều lần điện thoại hỏi thăm, động viên cố gắng đừng để doanh nghiệp… chết! Tôi cảm ơn vì điều đó. Nhưng năm 2024, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều dấu chấm hỏi”.
Bình luận 0

Ông Lê Thanh Phương, Phụ trách Chương trình chăn nuôi gia công toàn quốc của 2 doanh nghiệp chăn nuôi FDI chia sẻ như thế khi ngành nông nghiệp Bình Dương khép lại năm 2023 với nhiều khó khăn.

Bức tranh tối màu trong mắt doanh nghiệp chăn nuôi

Ông Lê Thanh Phương được biết đến là người có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh gia súc, gia cầm, một số loài thuỷ sản nước ngọt và các sản phẩm gia cầm đông lạnh nhập khẩu.

2 doanh nghiệp chăn nuôi mà ông Phương đang phụ trách chương trình chăn nuôi là Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam và Công ty TNHH Nông Nghiệp Làng Sen Việt Nam. Cả 2 công ty đều là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Malaysia.

Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Phương, phải nhìn thẳng vào sự thật và nói thật: "Năm 2023, hầu hết các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt đều thua lỗ".

Tình trạng thua lỗ này là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Trước hết, giá bán thấp do sức mua yếu. Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng điều này thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và từ phản ánh từ người bán hàng.

Theo ông Phương, sau dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ có tốt lên nhưng không kéo dài. Tình hình hiện nay còn kém hơn thời điểm hết dịch.

Năm 2023, giá bắp và bã đậu nành giảm nên thức ăn gia súc, gia cầm đã giảm nhiều lần, với tổng cộng hơn 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn quá cao so với năm 2019. Giá cám thủy sản chưa giảm do nguyên liệu chính là bột cá vẫn còn cao.

Vì là phần đóng góp lớn nhất trong cơ cấu giá thành, nên khi giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm hoặc giảm ít thì giá thành các sản phẩm chăn nuôi khó mà giảm được. Các chi phí khác lại tăng, trong đó điển hình là tiền điện.

Tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều trại phải bán heo sớm, khối lượng cơ thể nhỏ, số lượng nhiều với giá rất thê thảm, làm cho giá bán bình quân thấp.

Trại chăn nuôi gà của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trại chăn nuôi gà của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm nảy sinh trong thời gian gần đây làm mất cân đối cung cầu thêm trầm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá bán trong nước mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và mất an toàn thực phẩm cho con người.

Lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguy hiểm hơn, theo ông Phương, các công ty, hộ kinh doanh có kết quả kinh doanh xấu, vi phạm các quy định cho vay của ngân hàng.

"Vì thế, ngân hàng không cho tái vay, hoặc được tái vay với hạn mức thấp hơn. Doanh nghiệp, người dân càng thêm khó", ông Phương nói.

Còn nhiều câu hỏi mà nông hộ và doanh nghiệp chăn nuôi đặt ra

Trước những khó khăn trên, niềm động viên lớn là nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người chăn nuôi vượt khó, cố gắng tồn tại, chờ tình hình kinh tế phục hồi.

"Trong năm, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương đã nhiều lần điện thoại hỏi thăm và động viên cố gắng đừng để đoanh nghiệp… chết! Tôi xúc động và cảm ơn vì điều đó", ông Phương kể.

Giá bắp có giảm nhưng vẫn còn quá cao khiến thức ăn chăn nuôi giảm ít; giá thành các sản phẩm chăn nuôi còn ở mức cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá bắp có giảm nhưng vẫn còn quá cao khiến thức ăn chăn nuôi giảm ít; giá thành các sản phẩm chăn nuôi còn ở mức cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, năm 2024, không chỉ ở Bình Dương mà toàn ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Và thay vì đề xuất giải pháp, ông Phương đặt ra 5 câu hỏi mọi người tìm câu trả lời.

Nhà nước đang nỗ lực vực dậy tình hình, nhiều công trình đầu tư công có vốn đầu tư khủng đã, đang và sẽ triển khai. Các đầu tư này sẽ làm động lực, lan toả ra sao để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức mua các loại hàng hoá?.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam phục hồi như thế nào?. Hàng hoá xuất khẩu có tăng, dẫn đến tăng sức mua các loại hàng hoá, trong đó có nông nghiệp?

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có giảm thêm, giá dầu sẽ ra sao để giá thức ăn chăn nuôi giảm nữa?. Việc phòng, chống nhập lậu gia súc, gia cầm có duy trì hiệu quả và thường xuyên để hỗ trợ chăn nuôi trong nước?. Tình hình dịch tả heo châu Phi có tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm mới?

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiểm tra an toàn thực phẩm tại gian hàng thịt heo của siêu thị MM Mega Market, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiểm tra an toàn thực phẩm tại gian hàng thịt heo của siêu thị MM Mega Market, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Các doanh nghiệp chăn nuôi, người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, có bị buộc phải giảm quy mô hoặc ngưng? Nếu thế thì cung giảm, cầu có duy trì để giá có điều kiện tăng lên?", ông Phương nêu câu hỏi cuối cùng.

Theo Sở NNPTNT Bình Dương, ngành chăn nuôi vẫn là lĩnh vực trọng tâm của nông nghiệp tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chăn nuôi tập trung ở 4 huyện phía Bắc, chủ yếu là heo và gà.

Tính đến cuối năm 2023, tổng đàn heo của tỉnh là 927.553 con (giảm 4%); tổng đàn gia cầm trên 13,5 triệu con (giảm 0,9%).

Giá sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động. Trong đó, giá heo hơi dao động từ 49.500-61.500 đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Trại chăn nuôi heo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: N.V

Trại chăn nuôi heo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: N.V

Sở NNPTNT ghi nhận, nhu cầu tiêu thụ trong năm không ổn định, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất kéo dài. Nhiều hộ, trại đã không tái đàn sau khi xuất chuồng. Giá heo chỉ tăng nhẹ thời gian ngắn, và bắt đầu giảm xuống dưới giá thành sản xuất.

Với gia cầm, giá bán gà tam hoàng biến động bất thường, từ 34.000-74.000 đồng/kg. Thời điểm giá giảm do sức tiêu thụ giảm, đồng thời các hộ, trại cùng đồng loạt xuất chuồng.

Với gà công nghiệp, giá từ 17.000-45.000 đồng/kg. Dù tăng 2.000-6.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất do nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp .

Giá thức ăn chăn nuôi được ghi nhận ổn định ở mức 12.600-14.900 đồng/kg cho heo thịt; 13.200-14.400 đồng/kg cho gà thịt.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, năm qua, ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn.

Tuy dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Giá sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều biến động. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều biến động. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tình trạng giá bán động vật, sản phẩm động vật trong thời gian qua biến động bất thường và luôn thấp hơn giá thành sản xuất và kéo dài (ngoại trừ các loại trứng gia cầm).

Nhiều nhà chăn nuôi đã cắt giảm thuê chuồng, cắt giảm tái đàn đối với gia cầm. Đối với heo hơi, giá chỉ tăng nhẹ trong thời gian ngắn và không ổn định, hiện nay giá bán tiếp tục giảm.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tập trung cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem