Doanh nghiệp chọn phạt... hơn đầu tư xử lý chất thải

Thứ sáu, ngày 14/09/2012 10:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 13.9, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Bình luận 0

Trong báo cáo, Tổng cục Môi trường cho rằng một số tỉnh thành để kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở hoạt động công ích...

Chính vì vậy, Bộ TNMT đã tiến hành xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch này là tiến hành xử lý kiên quyết, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, phấn đấu sau năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chấm dứt tình trạng phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến xử lý môi trường là do chế tài xử phạt quá nhẹ, ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ TNMT thừa nhận: “Họ thà bị phạt để tiếp tục xả thải còn hơn là đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Mặc dù Nghị định 117 vừa mới ra đời đã tăng mức xử phạt gấp 7 lần, chúng tôi nhận thấy vẫn chưa đủ mức răn đe. Vừa rồi Quốc hội đã thông qua việc xử phạt hành chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mức phạt sắp tới cho hành vi gây ô nhiễm môi trường là 2 tỷ đồng”.

Đại diện nhiều địa phương cũng kêu ca vấn đề kinh phí cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng như kinh phí hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai có rất nhiều cơ sở gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, bởi chúng tôi có rất nhiều khu công nghiệp. Hiện nay còn 38 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tôi đề nghị cần làm rõ vấn đề hỗ trợ kinh phí, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí như thế nào để giúp họ thoát ra khỏi danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng”.

Còn ông Nguyễn Tử Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Làng nghề Đông Khê gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chúng tôi khó xử lý vi phạm vì ở đó tập trung 200 nhà máy với 5.000 lao động, nếu đình chỉ hoạt động thì phát sinh nhiều vấn đề nan giải...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem