Doanh nghiệp dệt may ngày càng khó, lách cửa hẹp tìm đơn hàng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 21/06/2023 12:04 PM (GMT+7)
Tình trạng thiếu đơn hàng dệt may được dự báo tiếp tục kéo dài sang quý III/2023. Nhiều doanh nghiệp dệt may hiện chủ yếu chỉ nhận đơn hàng nhỏ lẻ để “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn.
Bình luận 0

Theo chia sẻ của các chuyên gia ngành dệt may và doanh nghiệp (DN), sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường vẫn tiếp diễn… khiến ngành dệt may Việt Nam trải qua những tháng đầu năm trầm lắng.

Doanh nghiệp dệt may ngày càng khó, lách cửa hẹp tìm đơn hàng - Ảnh 1.

Khách hàng nước ngoài tìm đến Dony để kiểm tra sản phẩm và kết nối đơn hàng. Ảnh: Q.Hải

Đơn hàng dệt may sụt giảm tới 70% - 80%

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (TP.HCM), cho hay, đơn hàng xuất khẩu thời điểm này của công ty đang sụt giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.

"Với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, để duy trì được sản xuất, Dony liên tục thay đổi sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì và phát triển khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau, tiếp thị sản phẩm qua zalo, Facebook, YouTube…", ông Quang Anh nói.

Không chỉ sụt giảm về đơn hàng, Dony còn gặp khó khăn hơn khi khoản tiền hoàn thuế từ năm ngoái đến nay vẫn bị mắc lại, chưa hoàn được.

"Khoản tiền hoàn thuế rất quan trọng với chúng tôi thời điểm này vì thực tế lợi nhuận mà DN có thể bỏ túi khi xuất khẩu chỉ khoảng 3% - 7%, đa số là 5%, nhưng thuế VAT đầu vào chiếm khoảng 10%. Vì thế mà khoản này đã 'ăn' hết lợi nhuận, thậm chí 'ăn' một phần vào tiền vốn gốc của DN", ông Quang Anh phân tích.

Do đó, theo CEO May mặc Dony, nếu không được hoàn thuế sớm, DN sẽ càng làm càng lỗ.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cũng thừa nhận, ngành Dệt may Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm trầm lắng, với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may.

"Chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500 - 700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, bởi không làm thì sẽ không có đơn hàng", ông Hiếu nói.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định, phải tối thiểu cuối quý III, sang quý IV/2023 thì thị trường may mặc mới hồi phục trở lại, sang năm 2024 mới ổn định phát triển.

"Xuất khẩu ngành dệt may năm 2023 vốn đặt ra mục tiêu khoảng 46 - 47 tỷ USD trong điều kiện tình hình bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh qua nửa đầu năm mà kim ngạch xuất khẩu chưa đạt 15 tỷ USD, thì dự kiến con số xuất khẩu cao nhất có thể đạt trong năm nay là gần 40 tỷ USD", ông Cẩm dự báo.

Doanh nghiệp dệt may ngày càng khó, lách cửa hẹp tìm đơn hàng - Ảnh 3.

Ngành dệt may dự kiến còn gặp nhiều khó khăn đến hết năm 2023. Ảnh: Q.Hải

Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Vitas kỳ vọng các DN trong ngành dệt may tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Chính phủ như việc tiếp tục được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động; khởi động lại chính sách hỗ trợ DN như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Nhiều DN dệt may điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, chuyên gia trong ngành dệt may, thị trường dệt may và thời trang sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2023 khi tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thậm chí còn thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… sẽ càng áp lực hơn đến các DN trong ngành.

Trước tình hình này, hàng loạt DN ngành dệt may đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng hơn.

Chẳng hạn, Tổng Công ty CP May 10 (M10) đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 26,7% so với kết quả ghi nhận trong năm 2022.

Tương tự, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) cũng công bố điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu xuống 3.927,4 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Lãi ròng đạt 244,9 tỷ đồng, giảm 13%.

Tổng Công ty CP Phong Phú cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 là 2.250 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ 1.800 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 400 tỷ đồng, công ty mẹ 290 tỷ đồng.

So với năm 2022, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cho năm 2023 giảm gần 80 tỷ đồng, lợi nhuận của Công ty mẹ giảm hơn 36 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem