Doanh nghiệp liên kết đào tạo, dạy nghề: Học viên có việc làm với thu nhập khá

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 05/11/2019 17:30 PM (GMT+7)
Mô hình doanh nghiệp liên kết với đơn vị đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn không mới, nhưng đang mang lại hiệu quả cao. Không chỉ được đào tạo nghề, sau học nghề, các học viên đã có công việc làm ổn định, thu nhập cao.
Bình luận 0

Thu nhập gấp 5 lần làm ruộng

Đây là điều khiến học viên Vũ Thị Hải (32 tuổi, ở thôn Phượng Ngô, xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) phấn khởi. Sau khi tham gia lớp học nghề may bóng, khóa học nghề sơ cấp 3 tháng do Công ty TNHH Hạnh Tường đào tạo, chị Hải cùng nhiều học viên trong lớp được giới thiệu việc làm và được Công ty TNHH SUNRISE tiếp nhận làm công nhân.

img

Học viên tham gia học nghề may tại Công ty TNHH Hạnh Tường. Ảnh:   M.N

“Nhờ có nghề giờ đây chúng tôi đã có công việc, thu nhập ổn định từ 3,5 -4 triệu đồng/tháng. So với làm ruộng thì đây là thu nhập cao gấp nhiều lần, nhờ đó có tiền lo cho con cái học hành và ổn định cuộc sống” – chị Hải nói.

Đơn vị mà chị Hải nhắc tới chính là Công ty TNHH Hạnh Tường, đóng trên địa bàn xã Hoằng Lưu, là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Năm 2011 công ty chính thức hoạt động, thì đến năm 2012 đã đăng ký và được Sở LĐTBXH tỉnh hóa cấp phép thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bà Lê Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Hạnh Tường cho hay: Kể từ khi được cấp hoạt động dạy nghề tới giờ, công ty đã đào tạo cho hơn 300 lao động. Trong đó, có 200 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn. Hơn 100 lao động còn lại công ty trực tiếp hỗ trợ đào tạo, thu phí thấp, chỉ 500.000 đồng/người/khóa. Tất cả các học sinh sau khi được dạy nghề sẽ được giới thiệu việc làm hoặc được công ty nhận vào làm.

Muốn nhân rộng 

Vì là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động chính là sản xuất kinh doanh nên Công ty Hạnh Tường phải liên kết với các đơn vị trên địa bàn để đào tạo nghề cho bà con nông dân. Các học viên chỉ học nghề tại công ty trong vòng 1 tháng, 2 tháng còn lại được cử sang các doanh nghiệp để học và thực hành. “Đối với nghề thủy sản, chúng tôi phối hợp Trường Trung cấp Thủy hải sản Thanh Hóa thuê giáo viên về giảng dạy, còn nghề may thì chúng tôi liên kết với cơ sở đào tạo nghề may trong huyện” – bà Xuân nói.

Đánh giá về hiệu quả mô hình dạy nghề liên kết giữa doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu cho rằng: “Hoạt động dạy nghề của Công ty Hạnh Tường đã giúp xã nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đặc biệt, năm 2015 xã đã hoàn thành tiêu chí lao động qua đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới”.

Ông Hạnh cũng cho biết thêm, nghề nuôi trồng thủy hải sản là nghề trọng điểm của địa phương. Toàn xã có tới 100ha nuôi trồng thủy hải sản, giải quyết công việc cho 70 hộ dân. Hiện đã có 50 lao động là bà con nông dân tham gia học nghề nuôi trồng thủy hải sản. Thời gian tới, xã đang xin mở thêm một số lớp để đào tạo nghề hết cho 100% lao động tham gia ngành này. “Bà con nông dân tham gia lớp học rất nhiệt tình, sau học nghề bà con ứng dụng tốt kiến thức được học. Mô hình chăn nuôi VietGAP đã giúp việc nuôi trồng thủy hải sản cho sản lượng tăng, hạn chế dịch bệnh trên đàn tôm cá của bà con” – ông Hạnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem