Khó mấy cũng phải thưởng
Ông Trần Văn Ngà – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường La Ngà (Đồng Nai), chia sẻ ngành mía đường những năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù năm nay đỡ khó hơn mấy năm trước một chút, tuy nhiên nhìn chung thời gian tới công ty vẫn còn phải cố gắng nhiều mới mong thoát hẳn ra khỏi tình trạng kinh doanh trì trệ này.
Năm nay ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng thưởng tết cho người lao động. Ảnh: Thuận Hải
“Công ty hiện có hơn 500 công nhân. Mặc dù làm ăn khó khăn nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi tết đến chúng tôi đều phải cố gắng dành ra một khoản tiền lớn để thưởng tết và hỗ trợ công nhân viên đón tết. Năm nay, chúng tôi dự tính sẽ thưởng thêm tháng lương 13 cho anh em trong công nhân vui tết” – ông Ngà cho biết.
Tương tự, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cũng chia sẻ, năm 2015 là năm gần như thất bại hoàn toàn đối với ngành thủy sản, từ kinh doanh, xuất khẩu cá tra, tôm cho tới các sản phẩm khác. Các doanh nghiệp có vượt qua được thì cũng chỉ có mức lãi khá khiêm tốn. Với mức lãi này, doanh nghiệp cũng chỉ có thể đảm bảo được cho người lao động mức sống tương đương với năm 2015. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phải rất cố gắng mới đảm bảo được đời sống của công nhân viên.
Riêng đối với Công ty Thuận Phước, nhờ thay đổi công nghệ, phát triển mảng sản phẩm chế biến, đẩy mạnh giá trị gia tăng nên cũng đạt được 70% kế hoạch năm. Nhờ đó, Thuận Phước đảm bảo được mức lợi nhuận tương đối vững, có “đồng ra đồng vào” để chăm lo cho đời sống người lao động.
“Thuận Phước hiện tại đã chuẩn bị lương tháng 13 và một chút quà thưởng tết cho công nhân viên. Dù không tăng hơn so với năm trước nhưng mức lương, thưởng tết cho cán bộ cũng đạt khoảng 10 triệu đồng/người. Ngoài ra, Thuận Phước cũng cố gắng chuẩn bị quà tết cho công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn để xuân thêm trọn vẹn” – ông Lĩnh cho biết
Thưởng tết để giữ chân lao động
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hậu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tám Do (Đồng Nai) tỏ ra khá vui vẻ khi năm nay công ty kinh doanh tốt hơn năm ngoái do số lượng heo giống xuất bán ra thị trường nhiều hơn, giá cả cũng tốt. “Về lương thưởng, chúng tôi căn cứ trên thâm niên, năng suất làm việc của công nhân viên mà tính. Chúng tôi không dồn vào cuối năm để thực hiện chính sách này mà rải ra hàng tháng. Trung bình mỗi tháng công – nhân viên của công ty được thưởng khoảng 2 triệu đồng. Riêng tết năm nay, ngoài tháng lương 13, căn cứ vào thâm niên, năng suất làm việc, chúng tôi sẽ thưởng thêm để anh em trong công ty vui mấy ngày tết” – ông Hậu nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đời- Giám đốc Hợp tác xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cũng khá vui vẻ cho biết, so với năm 2014, năm nay lương thưởng cho cán bộ, nhân viên của hợp tác xã tăng hơn 1 triệu với mức thưởng từ 3-5 triệu đồng/người. Với tổng số 58 lao động, mức thưởng khoảng 200 triệu. Để có được con số này, trong khi giá cả sản phẩm không tăng, ngoài việc giảm tối đa chi phí, hợp tác xã phải quản lý kỹ các khâu sản xuất và kinh doanh cho thật hiệu quả. Cùng với đó, đơn vị đã cải tiến mùa vụ và áp dụng nhiều phương pháp gieo trồng lệch vụ để đảm bảo hàng hóa không bị trùng với nơi khác.
Không có nhiều lao động như các doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng anh Nguyễn Văn Nhật (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) - chủ trang trại lan cắt cành 5ha tại huyện Củ Chi, TP.HCM cũng quyết định thưởng tết hậu hĩnh cho 6 lao động trực tiếp và khoảng 15 lao động thời vụ của trang trại mình.
“Năm nay làm ăn suôn sẻ hơn năm ngoái nên gia đình quyết định thưởng tháng lương thứ 13 cho mấy anh em công nhân của trang trại (từ 5 - 6 triệu đồng/người). Riêng những lao động thời vụ thì cũng sẽ có những phần quà tết và một chút lộc xuân gì đó (khoảng 1-2 triệu đồng/người). Ngoài ra, gia đình cũng sẽ tổ chức tiệc tất niên cuối năm để động viên các anh em công nhân đã cố gắng trong một năm qua, có như thế mới giữ chân được người lao động giỏi chuyên môn, có nghiệp vụ sau tết…” – anh Nhật tâm sự.
Thưởng tết thấp nhất 40.000 đồng, cao nhất 624 triệu đồng
Đây là thông tin vừa được Bộ LĐTBXH công bố chiều 19.1 về tình hình lương thưởng tết năm 2016. Bộ cho biết có hơn 1.700 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng tết hoặc không có tiền thưởng tết cho người lao động.
Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán và tết dương lịch đều tăng so với năm ngoái. Theo khảo sát, bình quân thưởng Tết Nguyên đán năm nay là 5,5 triệu đồng/người, tăng gần 16% so với năm 2015. Thưởng tết thấp nhất là 40.000 đồng/người thuộc về doanh nghiệp ở Bình Phước. Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người, thuộc về doanh nghiệp FDI ở Hải Dương.
Tại Hà Nội, mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người (doanh nghiệp FDI) và mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI).
Tại TP.HCM, mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (doanh nghiệp dân doanh) và mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người (doanh nghiệp FDI).
Minh Nguyệt
|
Ông Đặng Tường Khâm - Giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức (Đồng Nai): Sự động viên thiết thực
Thời gian vừa qua, ca cao Việt Nam khá ảm đạm về cả giá cả lẫn thị trường tiêu thụ nên người dân chặt bỏ khá nhiều. Cũng may mắn cho chúng tôi là vẫn còn liên kết được với bà con nông dân một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng để có được vùng nguyên liệu khoảng 326ha. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến bà con nông dân đã gắn bó với cây ca cao Trọng Đức trong thời gian qua. Năm mới này chúng tôi gửi đến hơn 40 lao động của công ty tháng lương thứ 13 (khoảng 4-7 triệu đồng/người) như một lời động viên tinh thần cố gắng của mọi người suốt một năm qua đã cùng chúng tôi mang thương hiệu Việt ra thị trường.
Ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận): Thưởng ít nhất 1-2 tháng lương
Năm vừa qua, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của công ty đều thành công nên tuỳ từng vị trí công việc và mức độ hoàn thành công việc, công ty sẽ thưởng tết cho nhân viên từ 1- 2 tháng lương (mỗi tháng lương 4 - 5 triệu đồng). Hiện công ty đang kinh doanh trong 7 lĩnh vực, gồm sản xuất tôm giống, sản xuất tôm thịt, chế biến tôm xuất khẩu, sản xuất muối công nghiệp, sản xuất gạch và một lĩnh vực đang đầu tư là bò sữa. Năm 2015, doanh thu của công ty đạt 1.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4.300 công nhân, trong đó đa phần là lao động địa phương.
Ông Trần văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội): Lãi ít nên mức thưởng giảm
Năm 2015 là năm khó khăn chưa từng có đối với các HTX chăn nuôi. HTX chúng tôi chủ yếu nuôi lợn và gà. Từ đầu năm đến nay nuôi gà chỉ có thua lỗ. Hiện nay HTX có 360 xã viên với 1.700 công nhân. Doanh thu năm 2015 đạt 370 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư chỉ lãi 40 tỷ đồng. Dù làm ăn có nhiều khó khăn, có lúc thua lỗ nhưng lương công nhân vẫn trả đều hàng tháng, thấp nhất là 3,5 triệu đồng, cao nhất là 7,5 triệu đồng/người/tháng. Vì là năm khó khăn nên mức thưởng tết năm nay cho 1.700 công nhân chỉ được 3 -7 triệu đồng/người. Năm ngoái công nhân được thưởng tết cao nhất là 10 triệu đồng.
Quốc Hải - Thanh Xuân - Đình Thắng (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.