Doanh nghiệp phải chủ động xây dựng con đường nông nghiệp bền vững

Trần Khánh Thứ ba, ngày 26/10/2021 16:50 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị thay vì chờ đợi từ chính sách, các doanh nghiệp phải hợp tác và chủ động xây dựng con đường nông nghiệp bền vững.
Bình luận 0

Doanh nghiệp có thể tiên phong làm tốt từng việc cụ thể rồi khuyến nghị chính sách, cũng là cách để tham mưu và hỗ trợ ngược lại cho Bộ NNPTNT.

Doanh nghiệp nông nghiệp chủ động thích nghi

Khôi phục và phát triển bền vững ngành nông nghiệp là chủ đề chính tại buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng các "vua nông sản" Việt do báo Tuổi Trẻ tổ chức trực tuyến ngày 26/10.

Buổi tọa đàm Đối thoại giữa Bộ Trưởng Lê Minh Hoan với các "Vua" nông sản. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Buổi tọa đàm Đối thoại giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan với các "vua" nông sản. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tại Sóc Trăng, Công ty CP thực phẩm Sao Ta là một trong số ít những đơn vị duy trì mức tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT công ty Sao Ta cho biết, 9 tháng đầu năm, doanh số của công ty tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có được thành tích này là nhờ công ty Sao Ta đã chủ động theo dõi và nắm bắt sớm tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, nhất là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện biến thể mới.

Tháng 7/2021, Long An là tỉnh đầu tiên thực hiện 3 tại chỗ, còn tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa có ca nhiễm nào. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, Sao Ta đã họp bàn để lên phương án bố trí chỗ trống làm nơi ở dã chiến cho người lao động.

"2 tuần sau, 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Công ty Sao Ta cũng có chút lo lắng khi áp dụng 3 tại chỗ nhưng không còn lúng túng", ông Lực kể.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT công ty Sao Ta tham giam tọa đàm tại đầu cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Khắc Tâm

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta tham giam tọa đàm tại đầu cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Khắc Tâm

Từng giáp pháp cụ thể được công ty Sao Ta đưa ra, bám sát từng yêu cầu phòng chống dịch. Và quan trọng nhất là chăm lo tốt cho đời sống vật chất tinh thần của người lao động.

Kết quả là đội ngũ cán bộ công nhân viên vẫn giữ được an toàn, Sao Ta vẫn giữ được chuỗi cung ứng cho ngành tôm. Bài học rút ra là, trong lúc khó khăn, chính mình phải tự giúp mình, chủ động ứng phó với khó khăn, để cùng cả nước phòng chống dịch.

Tuy nhiên ông Lực cũng thừa nhận, dù doanh thu tăng trưởng tốt nhưng tính hiệu quả không cao trong giai đoạn Covid-19. Bời vì chi phí thực hiện 3 tại chỗ quá tốn kém. Giai đoạn sau dịch, để phát triển bền vững vẫn còn nhiều trở ngại.

Theo ông Lực, nỗi lo trước hết là diễn biến dịch còn phức tạp. Độ phủ vaccine Covid-19 ở các tỉnh ĐBSCL chưa. Nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đang bùng phát dịch trở lại.

Riêng trong ngành tôm, muốn nâng cao giá trị thì sản phẩm phải an toàn và truy xuất được nguồn gốc. Thế nhưng thực tế triển khai truy xuất nguồn gốc trong ngành tôm vẫn còn chậm.

Nguyên nhân chính là cón quá nhiều nông hộ sản xuất nhỏ lẻ. Thế nhưng nhiều hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là điểm nghẽn làm khó cho thực hiện cấp mã số vùng nuôi. 

Chế biến tôm xuất khẩu ở công ty Sao Ta, Sóc Trăng. Ảnh: Nhã Vy

Chế biến tôm xuất khẩu ở công ty Sao Ta, Sóc Trăng. Ảnh: Nhã Vy

Không có mã vùng nuôi thì doanh nghiệp khó thuyết phục khách hàng tin tưởng vào nguồn gốc sản phẩm. Thế mới có trường hợp có doanh nghiệp phải khai gian. Điều này không tránh khỏi bị phát hiện và đánh mất lòng tin với đối tác.

Việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nuôi tôm cũng không đơn giản như với trồng trọt.

"Song song với việc hỗ trợ hộ chăn nuôi và xây dựng HTX, Bộ NNPTNT cũng cần có chích sách tích điền (tích tụ ruộng đất) để hình thành vùng nguyên liệu lớn và tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn", ông Lực đề nghị.

"Lót ổ cho chim sẻ..."

Là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, Phúc Sinh Group (TP.HCM) cũng duy trì mức kinh doanh có lãi trong mùa dịch vừa qua.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group kể, từ TP.HCM, Phúc Sinh đầu tư ra tận tỉnh Sơn La để phát triển nhà máy chế biến cà phê.

Bỡi vì Phúc Sinh nhìn thấy tiềm năng, hiểu quả trong việc đa dạng hóa sản phẩm nông sản từ địa phương này.

Ông Thông kể, trước đây, cà phê Arabica của Sơn La phải đem vào Lâm Đồng bán với giá thấp. Nhưng từ khi có nhà máy của Phúc Sinh, giá trị hạt cà phê nơi đây đã tăng lên gấp 4 lần.

Bên cạnh sản phẩm cà phê Blue Sơn La cho trong nước và xuất khẩu, Phúc Sinh còn có sản phẩm trà và phân bón vi sinh tận dụng từ phụ phẩm cà phê.

Ông Thông tin rằng, trong cái khó vẫn có những giải pháp để doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng. Sau nhà máy đầu tiên của Phúc Sinh ở Sơn La, đã có những nhà máy bắt đầu tìm đến Sơn La đầu tư.

Sản phẩm cà phê Sơn La của công ty Phúc Sinh, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm cà phê Sơn La của công ty Phúc Sinh, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Nhưng nhìn toàn cảnh, theo ông Thông, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững. Bài học cụ thể là nhưng câu chuyệt đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch vừa qua, dù Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

"Giải pháp là phải có nhiều hơn nữa những nhà máy sơ, chế chế biến nông sản, để không bị động trong các tình huống", ông Thông nói.

Tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn nhưng kênh phân phối trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều nhưng mặt hàng tiêu dùng cho thị trường trong nước rất nghèo nàn.

Việc xây dựng nhiều nhà máy chế biến còn có nhằm phục vụ tốt hơn cho thị trường nội địa.

 "Nhà nước cần chính sách thu hút đầu tư nhiều hơn cho chế biến. Chế biến sẽ giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững, và không phải phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu", ông Thông nhấn mạnh.

Nếu Sao Ta hay Phúc Sinh đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực họ theo đuổi thì ông Võ Quan Huy – "vua chuối" Long An chỉ tự nhận mình là nông dân.

Ông Võ Quan Huy tại vùng trồng chuối của mình ở Long An. Ảnh: Trần Đáng

Ông Võ Quan Huy tại vùng trồng chuối của mình ở Long An. Ảnh: Trần Đáng

Chia sẻ quan điểm "Lót ổ cho chim sẻ để mời gọi đại bàng", ông Huy chọn cách tiếp cận từ người nông dân – những con "chim sẻ".

Ông Huy kể lại bài học từ chương trình 1 triệu tấn đường mà chính mình tham gia khi khởi nghiệp trồng mía. Chương trình không thành vì lúc đó, hàng loạt nhà máy đường mọc lên nhưng vùng nguyên liệu không đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Huy, cả mía và cao su đều là những cây trồng đang thoái trào ở các nông trường. Và vẫn còn rất nhiều nông dân – những "con chim sẻ" trong ngành mía, ngành cao su đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huy muốn liên kết với nông dân các vùng để phát triển vùng trồng chuối thì gặp nhiều khó khăn về vốn, về chính sách đất đai. Đây là những vướng mắc rất cần các bộ ngành tiếp tục tháo gỡ để nông nghiệp phát triển bền vững.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng những khó khăn về vốn, về mô hình kinh tế hợp tác là câu chuyện không mới. Bộ NNPTNT vẫn đang nỗ lực tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ai cũng biết nhà máy chế biến nông sản sẽ hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, để nâng cao giá trị sản phẩm, để giải quyết công ăn việc làm. Chính phủ cũng có riêng nghị định về lĩnh vực này. Kể cả chính sách tích tụ ruộng đất.

Thế nhưng tại sao lâu nay việc phát triển nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn vẫn triển khai chậm? Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề và cũng đặt hàng lại chính doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp và chính quyền ngồi chung lại, cùng chia sẻ vai trò của nhau mới thấu cảm và tìm ra giải pháp.

Với các doanh nghiệp, nhất là với các "vua nông sản", càng phải hợp tác và chủ động xây dựng con đường bền vững cho nông nghiệp thay vì chờ đợi từ chính sách.

"Doanh nghiệp có thể tiên phong làm tốt từng việc cụ thể rồi khuyến nghị chính sách, cũng là cách để tham mưu và hỗ trợ ngược lại cho Bộ NNPTNT", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem