Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh trong Hội nghị đối thoại về Thực hiện chính sách về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Bảo hiểm y tế (BHYT) trong DN FDI vừa được Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức sáng nay,16.12.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam, đại diện cho hàng nghìn DN FDI cho rằng hiện nay chính sách về việc đóng BHXH còn nhiều điểm bất hợp lý. Ví như, các công ty FDI thì thường xuyên phải sử dụng các chuyên gia nước ngoài. Bản thân các lao động (LĐ) này từ trước khi đến Việt Nam làm việc thì cũng đã đóng BHXH ở nước bản địa, giờ sang Việt Nam làm việc lại phải đóng thêm một lần BHXH nữa thì quá nhiều. Nên chăng, bỏ quy định này để tránh việc LĐ cùng lúc phải đóng BHXH ở hai nơi.
“Một vấn đề khác mà rất nhiều DN trong Hiệp hội DN Nhật Bản có ý kiến đó là mức đóng BHXH và tiền công đoàn phí của VN đang ở mức rất cao, điều này đang làm giảm tính cạnh về chi phí nhân công của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì điều này đang làm cho sức khỏe DN yếu đi”. bà Huyền nói.
DN than tiền đóng BHXH cho LĐ tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước khác
Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng việc đóng BHXH cho LĐ có hợp đồng ngắn hạn từ 1-3 tháng cũng là bất hợp lý, bởi có khi họ chỉ thử việc được một vài ngày là nghỉ làm luôn.
Giải đáp thắc mắc này ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thì cho biết: Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có ký kết tương trợ về thực hiện BHXH với nhiều quốc gia. Vì vậy, LĐ nước ngoài thực hiện làm việc ở VN vẫn phải tuân thủ quy định này.
Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội thì khẳng định, mức đóng BHXH của chúng ta đang thấp, không hề cao. “Theo quy định trong điều 90 Luật BHXH thì yêu cầu đóng BHXH dựa trên tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản khác. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa thực hiện mà việc đóng BHXH mới chỉ đóng dựa trên tiền lương cấp bậc và chức vụ và một số khoản phụ cấp có tính chất tiền lương”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, đóng BHXH của chúng ta so với quốc tế nhìn qua thì tưởng là cao, nhưng bản chất lại rất thấp do chúng ta không đóng BHXH trên tổng thu nhập. Trong khi đó, tất cả các nước khác lại đang đóng BHXH dựa trên thu nhập. Do vậy, Việt Nam cần phải thực hiện theo lộ trình. Cho đến khi xác định được tiền lương tối thiểu một cách đầy đủ của người LĐ làm căn cứ đóng BHXH thì lúc đó Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ đóng.
Tính đến ngày 30.9.2016 có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 7,6% tổng số DN trong cả. Tổng số LĐ tham gia BHXH khối DN FDI là hơn 3,6 triệu người. Dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có hơn 3,7 triệu người tham gia BHXH tăng khoảng 4,4% so với năm 2015. Tổng số thu BHXH ở DN FDI là 51.770 tỷ đồng chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến hết năm 2016 tổng thu sẽ đạt hơn 69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2015. Hiện tại, DN FDI đang nợ khoảng hơn 2000 tỷ đồng tiền BHXH.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.