Doanh nghiệp thờ ơ với lãi suất 9%

Thứ bảy, ngày 09/06/2012 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Đừng biến việc hạ lãi suất thành câu chuyện cũ” - đó là lời bình luận của không ít lãnh đạo doanh nghiệp trước thông tin trần lãi suất huy động hạ xuống 9% sẽ là cơ sở để sớm hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Bình luận 0

6 tháng, giảm lãi suất 5%

Tại Hội thảo "Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm" diễn ra chiều 8.6, một ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất sẽ hạ, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết cụ thể: Vào ngày 11.6, trần lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm 2%, từ 11%/năm xuống 9%/năm. Các lãi suất chủ chốt khác cũng giảm thêm 1%: Lãi suất qua đêm giảm xuống 12%, lãi suất tái cấp vốn xuống 11%/năm, lãi suất tái chiết khấu còn 9%/năm.

img
Vấn đề doanh nghiệp quan tâm hiện nay là tiếp cận được nguồn vốn.

Bà Hồng cũng cho biết thêm, NHNN sẽ tiến tới sớm bỏ trần lãi suất. Xung quanh đợt giảm lãi suất lần này, nguồn vốn vẫn tiếp tục được định hướng vào nhóm nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quyết định hạ lãi suất huy động của NHNN được công bố sớm trước khi có hiệu lực thi hành được nhiều ý kiến cho rằng nó là sự "đánh động" nhiều ý nghĩa với người gửi tiền, doanh nghiệp và bản thân các ngân hàng. Tuy nhiên, trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn tiếp tục tình trạng đói vốn do lãi suất cao và khó tiếp cận thì người gửi tiền tại ngân hàng liên tục bị “cắt xén” tới 5% chỉ từ đầu năm tới nay.

Tích cực có thể thành tiêu cực

Theo kỳ vọng của NHNN, khi lãi suất huy động giảm, lãi suất đầu ra cũng sẽ được hạ, như vậy sẽ kích thích thị trường và cuối cùng là góp phần cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn cứu doanh nghiệp hiện nay, có rất nhiều việc cần làm, trong đó phải khơi thông dòng vốn, phải khơi thông thị trường...

TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh tài chính VN nói: Hạ lãi suất thôi chưa đủ. Vấn đề hiện nay là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã sút giảm, doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn nhất là thị trường tiêu thụ chậm, sức mua kém, tồn kho tăng cao.

Ngày 8.6, NHNN ra Thông tư số 20/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó, từ 11.6, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 13%/năm; Quỹ TDND ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 14%/năm.

Ông Hoàng Minh Quang - Giám đốc Công ty TNHH Văn Lang (62 Mã Mây, Hà Nội) thẳng thắn cho rằng lãi suất có hạ mấy thì các doanh nghiệp như công ty ông cũng không mặn mà. Từ đầu năm tới giờ, công ty ông đã bị phía đối tác trì hoãn liên tiếp đơn đặt hàng lắp thiết bị dạy nghề trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Không bán được hàng, nhân viên của ông hơn 5 tháng nay chủ yếu lên công ty ngồi chơi do ít việc. “Vậy thì vay tiền ngân hàng để làm gì"? - ông Quang đặt câu hỏi.

Ông Bùi Cao Thạch - Giám đốc Cơ sở mây tre đan Tân Tiên (xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi giờ không quan tâm đến lãi suất huy động hạ mà chỉ quan tâm khi nào được “dễ dàng” hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ”.

Bình luận về việc hạ lãi suất về 9%, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm- nguyên Thống đốc NHNN nói: Điều quan trọng nhất là làm sao để quản được việc lãi suất huy động hạ mà lãi suất cho vay cũng hạ để doanh nghiệp được lợi. Nếu không hoàn thành được mục tiêu đưa lãi suất cho vay hạ thì mặt tích cực của lãi suất sẽ biến thành tiêu cực cho nền kinh tế. Cụ thể, NH không hút được nguồn vốn, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, người dân không gửi tiết kiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem