“Tôi rất xúc động”
Hộ chăn nuôi được giải cứu lần này là ông Lê Văn Làn, xóm 7, thôn Lạc Dương, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên.
Ông Làn cho các phóng viên biết: Tôi cho lợn ăn cám Cargill (Mỹ), trại còn 30 con lợn thịt đã quá trọng lượng nhưng không có ai mua. Lợn tôi nuôi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Clip: Giải cứu hộ chăn nuôi lợn tại Phú Xuyên
“Qua đường dây nóng của chương trình, tôi gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng như Công ty Lebio. Sau một tuần khảo sát, kiểm tra, test (kiểm tra) thử, phía công ty đồng ý mua tất thảy 30 con lợn còn lại cho gia đình tôi”.
“Điều xúc động là từ chỗ người lạ, không hề quen biết với công ty, chỉ qua kết nối của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt mà toàn bộ đàn lợn của tôi đã được công ty mua cho. Chúng tôi không biết lấy gì để cảm ơn sự giúp đỡ này“ - ông Làn nói.
Ông Lê Văn Làn trả lời phóng viên Dân Việt. Ảnh: Ngọc Thọ
Từ 3 giờ sáng 9.5, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái nghe tới Chương trình "Kết nối giải cứu người chăn nuôi" đã lên xe xuống Hà Nội để tận mắt chứng kiến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi. Ông Hùng chia sẻ: Chương trình quá ý nghĩa, dù chỉ kết nối nhưng rất nhiều người chăn nuôi và doanh nghiệp đã tìm đến nhau. Bên cần bán, nơi cần mua giải cứu".
"Yên Bái chúng tôi ngày 4.5 đã ký kết với phía Công ty Lebio để giải cứu tối thiểu 5.000 con lợn trong tổng số 40.000 con mà phía Công ty cam kết hưởng ứng chương trình. Số lợn của Yên Bái còn dư thừa 10.000 con, chúng tôi kỳ vọng sẽ được các doanh nghiệp như Lebio tiêu thụ và hướng cho người nuôi tham gia các chuỗi sản xuất an toàn để không còn cảnh được mùa rớt giá"- ông Hùng cho biết.
Cần nắm chặt tay
Là một trong hai đơn vị tham gia phát động Chương trình kết nối giải cứu người chăn nuôi trên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội chia sẻ: “Ngay lúc này đây, trong khi bà con vẫn khó khăn chồng chất vì đợt khủng hoảng giá lợn xuống thấp chưa từng có, hơn bao giờ hết các cấp ngành, đơn vị cùng với doanh nghiệp phải nắm chặt tay để vừa tiêu thụ thịt lợn giúp cho người chăn nuôi vừa tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này”.
Lợn nhà ông Làn được lùa lên xe thu mua của Lebio. Ảnh: Ngọc Thọ
“Tại Hà Nội, Công ty Lebio và Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội thống nhất sẽ giải cứu tối thiểu 5.000 con. Trong thời gian tới, Trung tâm đề xuất và mong muốn cùng với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng thịt tươi, thịt nóng, hướng cho người tiêu dùng có cái nhìn khách quan về thịt cấp đông. Sử dụng thịt cấp đông vừa hạn chế được vi khuẩn có hại, đảm bảo sức khoẻ vừa giải quyết được câu chuyện được mùa rớt giá“ - ông Tạ Văn Tường nói.
Theo ông Nhữ Đình Tú - Giám đốc Công ty Lebio thì thời gian qua, cá nhân ông đã nhận được hàng nghìn cuộc gọi và cho nhân viên ghi chép cần thận. Do quá nhiều trang trại cần bán nên trước mắt công ty của ông sẽ ưu tiên những hộ khó khăn nhất. Dù hộ chăn nuôi dùng cám gì nếu có chứng nhận an toàn thực phẩm ông cũng sẽ cho thu mua cho bà con.
Chúng tôi đã cam kết là làm thực!
“Tôi cũng nhận được một số tin nhắn "chửi" Công ty Lebio chém gió, tranh thủ cơ hội làm thương hiệu. Thú thực, chúng tôi không cần PR. Có rất nhiều phóng viên gọi điện để làm việc với tôi, tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các anh chị nhà báo, phóng viên. Nhưng tôi nghĩ, trong thời điểm này, tôi dùng thời gian đó tranh thủ đi khảo sát, mua lợn cho người chăn nuôi sẽ thiết thực hơn. Công ty chúng tôi đã hứa là làm. Không có chuyện hô hào suông” - ông Nhữ Đình Tú.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.