Nhiều ngày qua, người chăn nuôi lợn đã gánh chịu cuộc khủng hoảng thừa khiến lợn ế đầy chuống, giá lợn “tụt dốc không phanh”, nhiều gia đình thua lỗ nặng nề và đứng trước nguy cơ phá sản. Trước tình hình nguy cấp đó, ngày 30.4, Báo NTNN/điện tử Dân Việt chính thức phát động chương trình “Báo NTNN - Dân Việt kết nối tiêu thụ lợn” trên phạm vi toàn quốc.
Với sự kết nối của Báo NTNN, doanh nghiệp đã đến mua 330 con lợn ở trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng tại thôn Hoà Bình, xã Đô Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê San
Sáng 30.4, trong khi tôi đang chuẩn bị ít đồ đạc để về quê nghỉ lễ thì nhận được cuộc gọi của lãnh đạo ban. Sau câu hỏi để biết tôi đang ở đâu, làm gì, trưởng ban vào ngay vấn đề chính: “Em ơi, Báo mình phát động chương trình giải cứu lợn cho bà con nông dân. Ban mình được giao trực đường dây nóng, em lên dây cót tinh thần, dừng về quê để cùng trực nhé”.
Vậy là, khi mọi người đang váy áo lượt là đi chơi, đi du lịch hay rộn ràng lên đường về quê thăm gia đình, thì chúng tôi bắt đầu chiến dịch kết nối doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm với bà con chăn nuôi lợn.
Có lẽ khi nghe những thông tin thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng của bà con nuôi lợn, ai cũng thấy xót xa, nhưng cái niềm đau đó chỉ một thoáng rồi qua đi vì “may mình không liên quan”. Thế nhưng, với những ai trực đường dây nóng trong chương trình giải cứu lợn của Báo thì mới thấu hiểu thế nào là “khóc cùng nông dân”.
Ngay khi bài viết đầu tiên phát động chương trình được đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, số điện thoại đường dây nóng của báo đã thực sự nóng bỏng - theo nghĩa đen - khi liên tục nhận được các cuộc gọi từ người dân thông tin về tình hình đàn lợn, nhu cầu bán lợn, đề nghị kết nối doanh nghiệp về mua lợn...
Những tiếng nói nghẹn lại, mếu máo rồi vỡ òa thành tiếng khóc của một chị gọi về khiến chúng tôi cũng rơi nước mắt: “Nuôi lợn tốn công sức không có lãi đã đành, lại còn mất hết nhà cửa rồi cô chú ơi. Lợn ăn cả sổ đỏ nhà tôi rồi”. Đó là chị Phạm Bích Nghĩa (xã Vũ Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Cuối năm 2016, nhà chị đã cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để mở trang trại nuôi lợn, nhưng khi lứa đầu tiên xuất chuồng thì cũng đúng lúc giá lợn xuống thấp. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục đầu tư để mong muốn lứa 2 có thể vớt vát số tiền lỗ hàng chục triệu đồng trước đó nhưng giá lợn lại xuống thấp hơn, và nguy hại nữa là không bán được. Giờ đây, lợn còn nằm đấy mà lãi thì đến kỳ hạn phải trả rồi thêm tiền điện nữa cũng ngót nghét tốn của chị cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Những lời kêu cứu từ bà con dồn dập gửi về báo ngày một nhiều thêm và không kể ngày đêm. Không chỉ có các trang trại mà cả những hộ chăn nuôi lẻ 5-10 con cũng gọi về nhờ hỗ trợ vì các tiểu thương địa phương ngừng mua lợn. Có người không biết dùng email nên phải chạy đi khắp làng nhờ người biết gửi hộ thông tin...
Lúc nửa đêm hay 3-4 giờ sáng, chúng tôi vẫn không ngớt các cuộc điện thoại gọi về. Trong đêm, dường như không khí vẫn nóng ran, bà con khóc, than, kể với chúng tôi về công sức, tài sản của họ đổ sông đổ bể, rồi bà con bày tỏ hi vọng chúng tôi có thể giúp đỡ kết nối với doanh nghiệp thu mua. Thậm chí nhiều người còn ngỡ rằng chúng tôi là người mua lợn và hỏi giá lợn thế nào, bao giờ đến bắt...
Kỳ nghỉ lễ của chúng tôi kết thúc cùng chiếc điện thoại, máy tính kè kè bên người và những đôi mắt thâm quầng. Nhưng đó chẳng là gì khi chúng tôi nhận được thông tin các doanh nghiệp cam kết thu mua hỗ trợ bà con, các bộ, ban, ngành vào cuộc, các địa phương mở điểm bán thịt lợn giải cứu và vui nhất là những cuộc điện thoại từ người dân: “Họ đến bắt lợn rồi. Cảm ơn nhà báo nhiều lắm”.
“Kỳ nghỉ lễ của chúng tôi kết thúc cùng chiếc điện thoại, máy tính kè kè bên người và những đôi mắt thâm quầng. Nhưng đó chẳng là gì khi chúng tôi nhận được thông tin các doanh nghiệp cam kết thu mua hỗ trợ bà con, các bộ, ban, ngành vào cuộc, các địa phương mở điểm bán thịt lợn giải cứu và vui nhất là những cuộc điện thoại từ người dân: Họ đến bắt lợn rồi. Cảm ơn nhà báo nhiều lắm”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.