Nhân lực phòng chống lao: Thiếu hụt trầm trọng

Chủ nhật, ngày 19/08/2012 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Trải thảm đỏ” mời gọi bác sĩ về nhưng nhiều bệnh viện (BV) lao vẫn thiếu đến 50% số bác sĩ cần có. Đây là thực trạng chung về nhân sự phòng chống lao trong cả nước.
Bình luận 0

Khó tìm nhân lực

Ông Mai Đình Đậu – Trưởng phòng hành chính tổ chức (BV Lao và Phổi Quảng Ninh) cho biết, 3 năm nay, BV không mời được bác sĩ lao nào về. Hiện cả BV chỉ có 23 bác sĩ, phải điều trị thường xuyên cho 250-300 bệnh nhân nội trú và khám cho khoảng 100-150 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.

Phòng chỉ đạo tuyến cũng chỉ lèo tèo 2-3 bác sĩ, phải thay nhau đi về địa phương để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ công tác phòng chống lao, có khi cả tháng chưa về đến nhà. BV cần 40 bác sĩ, nhưng mời mãi chẳng ai về.

img
Theo Bộ Y tế, hầu hết các bệnh viện lao trên cả nước đều thiếu bác sĩ.

Theo ông Đậu, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi bác sĩ về BV để “an cư”, đồng thời ký biên chế ngay cho bác sĩ, nhưng chẳng ai mặn mà. Trong khi đó, Quảng Ninh có môi trường nhiều khói bụi độc hại, tỷ lệ người dân mắc bệnh lao luôn ở mức cao. Mỗi năm, Quảng Ninh có khoảng 500-600 ca mắc lao mới được phát hiện. “Tuy nhiên, đó mới chỉ chiếm khoảng 70% số ca mắc lao trong cộng đồng” – ông Đậu khẳng định.

Theo ông Đậu, ngoài nguyên nhân người dân giấu bệnh, việc các ca lao mới khó kiểm soát hết cũng là do lực lượng làm công tác phòng chống lao quá mỏng, chưa thể sâu sát tới cơ sở.

Cùng nỗi niềm với Quảng Ninh, BV Lao và Bệnh phổi Tiền Giang chỉ có 10 bác sĩ. Trong khi đó, mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện khoảng 1.900 ca mắc lao mới và điều trị, quản lý thường xuyên khoảng hơn 2.000 bệnh nhân khác. Việc bác sĩ lao phải làm việc quá tải đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng 7 năm gần đây, BV không tuyển được bác sĩ nào. “Đối với tuyến xã thì chế độ phụ cấp thấp, cán bộ chỉ kiêm nhiệm, lại là bệnh xã hội, lây lan, chịu sự kỳ thị của cộng đồng nên càng khó tuyển” – BS Lê Xuân Phương – Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cho biết.

Bệnh nhân trẻ - bác sĩ già

Theo báo cáo của Chương trình Phòng chống lao quốc gia, ước tính Việt Nam đang có hơn 290.000 người mắc lao và mỗi năm có thêm hơn 180.000 ca mắc mới, gần 30.000 người chết vì lao. Tuy nhiên, chúng ta mới phát hiện và điều trị cho khoảng 54% số người mắc lao, 46% còn lại đang tiềm tàng lây nhiễm rất lớn ra cộng đồng.

Hiện cũng đang có xu hướng “trẻ hóa” bệnh nhân lao, đặc biệt là thanh thiếu niên, những đối tượng rất “năng động”, hay di chuyển, tụ tập nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.

Tuy nhiên, lực lượng cán bộ lao lại đang già đi mà không thể tuyển được lớp kế cận. PGS-TS Đinh Ngọc Sĩ – Giám đốc BV Lao và Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, 50% cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo, còn ở tuyến xã/phường thì 100% là kiêm nhiệm và rất nhiều nơi không có cán bộ phòng chống lao.

Ông Đậu cho biết, có bác sĩ trẻ về ra mắt nhà chồng tương lai, khi biết cô làm việc ở BV Lao, cả nhà đã nhìn cô với ánh mắt e ngại. “Sự kỳ thị, sự vất vả, lao lực, công với môi trường làm việc độc hại, thu nhập thấp chính là những rào cản ngăn trở bác sĩ đến làm ở BV Lao” – ông Đậu cho biết. Cho dù cố gắng, ngoài lương BV cũng chỉ hỗ trợ cho cán bộ nhân viên bệnh viện mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, các BV khác thu nhập cao hơn rất nhiều.

BS Lê Xuân Phương cũng cho biết, hiện nay các trường y chỉ đào tạo bác sĩ đa khoa chứ chưa có bác sĩ lao nên chẳng mấy người “dại” mà chọn BV Lao để vào công tác. Vì thế, BS Phương cũng kiến nghị, Bộ Y tế nên đào tạo các bác sĩ chuyên khoa lao thì may ra nhân lực phòng chống lao mới lớn mạnh và trẻ hóa được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem