Doanh nghiệp Việt – Hàn bắt tay xây nhà máy chế biến củ cải: Biến thách thức thành cơ hội cho nông dân

Thanh Nhân Thứ sáu, ngày 30/03/2018 09:52 AM (GMT+7)
Ngay trong lúc tình trạng củ cải đang ế thừa, Công ty Lavifood, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Công ty ILMI của Hàn Quốc bắt tay xây dựng nhà máy chế biến củ cải xuất khẩu tại Hải Dương, biến thách thức thành cơ hội và cũng là cách hiện thực hóa chủ trương phát triển bền vững trong nông nghiệp.
Bình luận 0

Biến thách thức thành cơ hội

Theo định hướng tới năm 2025, ngành chế biến nông-lâm-thủy sản sẽ là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT đã thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông sản ngày càng phát triển. Theo đó, trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 13% so với năm 2016. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%,...

img

Đại diện Công ty Lavifood, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Công ty ILMI của Hàn Quốc bắt tay xây dựng nhà máy chế biến củ cải xuất khẩu tại Hải Dương.

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong số chín mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực, năm mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Trong năm 2017, đã có gần 2.000 DN thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số DN hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Nhiều DN, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.

Rất nhiều địa phương đang đang tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những giống cây, con, thời tiết khí hậu mang tính lợi thế, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao. Trong đó, nhiều địa phương nằm ven sông Hồng chú trọng những loại cây rau màu ngắn ngày như củ cải, cà rốt, cải thảo,....

Bên cạnh những thuận lợi về nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề còn tồn đọng như: Địa phương chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, kỹ thuật chưa thực sụ phát triển. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân cải thiện chậm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong khi đó, công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo thị trường còn bất cập nên xảy ra tình trạng cung vượt cầu đối với một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu.

Trao đổi với PV, ông Đinh Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Lavifood cho rằng, các nhà máy chế biến nông sản của Việt Nam tuy nhiều, nhưng quy mô nhỏ và thiếu sự liên kết giữa người nông dân và nhà máy, thiếu sự liên kết các doanh nghiệp với nhau.

“Hầu hết các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam đang hoạt động mạnh ai, người đó làm. Tuy nhiên, cũng có một vài doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại chính vùng chuyên canh để khai thác từ đó khai thác hết tiềm năng phát triển của vùng. Nhưng, các doanh nghiệp đó không nhiều”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trước hết, việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản phải gắn liền với lợi ích của người nông dân: “Nhiều thương lái, nhà máy đang có quan niệm ép giá nông dân khi được mùa. Ví dụ, vải thiều năm nay được mùa, chắc chắn các thương gia sẽ ép giá vải thấp hơn trung bình mọi năm. Trong khi những năm mất mùa, các thương lái cũng tìm cách dìm nông sản xuống giá rẻ nhất để thu mua. Có thể họ viện một vài lý do như sản phẩm không đủ chất lượng, nhiều sâu bệnh, quả không tươi...”.

Từ đó, ông Dũng cho rằng, cần phải có một khung giá cố định cho bất kỳ nông sản Việt nào: “Tôi nghĩ nên có một bộ khung chuẩn về giá nông sản. Ngay cả Lavifood cũng đã có một khung giá riêng cho bà con nông dân. Mỗi năm thay đổi 1 lần, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá phân bón, năng suất mà thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết, giá thu mua nông sản của Lavifood sẽ cao hơn mặt bằng chung của thị trường”.

Hiện tại, Công ty CP Lavifood đang xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Hải Dương, trong đó, sản phẩm chủ yếu sẽ là củ cải (chiếm 70%), cải thảo (30%) với công xuất 15.000 tấn/năm. Ông Dũng cho biết, khác với các nhà máy khác, Lavifood cam kết sẽ thu mua nông sản của nông dân giá cao.Xây dựng là máy tại vùng chuyên canh, chuyên cư và sản xuất tập chung 1 số sản phẩm chủ lực, không dàn chải.

Lavifood còn kết hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ để hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân để tăng năng suất, từ đó hạn chế được sâu bệnh và đạt chuẩn để xuất khẩu sang nước ngoài.

“Chúng tôi đang là những người đầu tiên đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong 5 năm nữa, khi người tiêudùng bắt đầu biết cách sử dụng thì chắc chắn những ông lớn sẽ nhảy vào ngành chế biến nông sản. Nền kinh tế thị trường có các công ty nhảy vào và cạnh tranh sẽ giúp đời sống người dân đi lên”, ông Dũng khá lạc quan,

Hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vũng

img

Cũng trong năm 2017, Chính  phủ đã cho phép Bộ NN&PTNT thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhằm tháo gỡ khó khăn, lo đầu ra các sản phẩm nông sản, thực hiện điều phối hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Việc ra mắt đơn vị mới này, nhiều chuyên gia đánh giá là động thái mang tính đột phá của Bộ NN&PTNT, khi nhận diện rõ ràng được khâu yếu trong cơ cấu, chính sách, Bộ đã thể hiện quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng dài hạn, bền vững.

Không những thế, từ cuối năm 2016, Ngân hàng Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50 nghìn tỷ đồng bằng vốn huy động thương mại.

 Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm, so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã và đang tập trung phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, chỉnh sửa Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân, đẩy mạnh chế biến; phối hợp các hiệp hội địa phương tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, hướng tới mục tiêu không chỉ đạt 33 tỷ USD xuất khẩu nông sản, mà quan trọng hơn là chấm dứt tình trạng được mùa rớt giá, tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem