Nhiều cây xăng ở tỉnh đóng cửa, tình hình kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM thế nào?
Doanh nghiệp xăng dầu tại TP.HCM cam kết đủ hàng bán đến 2 tháng
Hồng Phúc
Thứ ba, ngày 08/02/2022 19:06 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp chủ lực kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM như Petrolimex, Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS, SATRA… cam kết đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường liên tục trong 40 - 60 ngày.
Ngày 8/2, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có cuộc họp với Sở Công Thương, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM và đại diện các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Doanh nghiệp cam kết đủ hàng
Theo các thương nhân, tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động. Căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia cung ứng lớn xăng dầu trên thế giới gây quan ngại cho việc cung ứng năng lượng khi nhu cầu trên thị trường đang có xu hướng tăng lên.
Dự báo, thời gian tới, giá dầu thô thế giới tiếp tục điều chỉnh, có khả năng đạt ngưỡng 100 USD/thùng. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng nhập khẩu dầu thô nguyên liệu đã tác động không nhỏ đến thị trường xăng dầu.
Theo quy định mới về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giảm từ 15 ngày còn 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng.
Tuy nhiên, do thời điểm điều chỉnh ngày 1/2 trùng thời gian nghỉ Tết nên chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Theo các doanh nghiệp, việc kéo dài chu kỳ điều chỉnh giá, trong khi giá xăng dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp trong nước đã phải giảm chiết khấu (trong một số thời điểm, một số doanh nghiệp phải điều chỉnh chiết khấu là 0%) nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ. Nhiều cây xăng tại miền Tây đã ghi nhận tình trạng trên.
Tuy nhiên, các thương nhân đầu mối xăng dầu cam kết đảm bảo lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.
Trong điều kiện nguồn cung trong nước gặp khó, doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường đàm phán với đối tác cung ứng nước ngoài để nhập khẩu, đảm bảo đủ mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng theo quy định, cố gắng đảm bảo nguồn hàng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường.
Một số doanh nghiệp chủ lực như Công ty xăng dầu KV II - TNHH MTV (Petrolimex), Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)… đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường liên tục trong 40-60 ngày.
Đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu
Trước dự báo về tình hình biến động nguồn cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải xem xét, nhanh chóng giải quyết cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm cho các xe bồn vận chuyển xăng dầu khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động lưu thông, vận chuyển, để kịp thời cung ứng xăng dầu đến các cửa hàng bán lẻ.
UBND TP.HCM cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Tính đến ngày 8/2/2021, TP.HCM có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hiện chỉ có 2 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động với lý do sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy và Sở Công Thương đang thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu); 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 57 thương nhân phân phối; 1 thương nhân là Tổng đại lý; 18 đại lý bán lẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.