Có bất ngờ khi Bộ Tài chính đề nghị tăng tối đa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu?

An Linh Thứ năm, ngày 02/02/2023 14:50 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế tối đa khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tương đương mức 4.000 đồng/ lít (xăng) 2.000 đồng/ lít (dầu). Động thái được cho là lạ bởi hiện mức thuế này đối với xăng đang được giảm chỉ còn 2.000 đồng/ lít đến hết năm 2023.
Bình luận 0

Vì sao đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu?

Đây là một trong những ý kiến của Bộ Tài chính trong Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp xây dựng, tổng hợp, có đưa ra phương án sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Có bất ngờ khi Bộ Tài chính đề nghị tăng tối đa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất tăng tối đa khung thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu (Ảnh minh hoạ)

Hiện mức tối thiểu của xăng dầu hiện là từ 1.000 đồng/ lít, thuế tối đa là 4.000 đồng/ lít xăng dầu (tuỳ loại). Như vậy, có thể hiểu, trong xây dựng chính sách ở điều kiện bình thường, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu phương án thuế như cũ, chỉ giữ mức thuế tối thiểu để thuận lợi cho công tác điều hành khi giá xăng dầu biến động bất thường, như giá xăng dầu tăng cao, sẽ giảm để tránh tác động nặng nề đến đời sống người dân.

Về khung thuế bảo vệ môi trường đối nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định, đối với xăng, trừ etanol thuế cố định/ lít xăng dao động từ 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg.

Trong năm 2022, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhiều lần cho giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu để hỗ trợ nền kinh tế, người dân, mức thuế thấp nhất của thuế bảo vệ môi trường có lúc xuống 600 đồng-1.000 đồng/ lít (kg), tuỳ loại xăng dầu.

Đến tháng 1/2023, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH 15, trong đó quy định thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, trừ etanol là 2.000 đồng/ lít (tăng hơn 1.000 đồng/ lít so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn thấp hơn mức kịch khung 4.000 đồng/ lít các năm trước).

Các loại dầu diesel, nhiên liệu bay, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn được tính thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/ lít (kg), riêng dầu hoả là 600 đồng/ lít.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nay mức thuế đang được giảm do chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng khi xây dựng chính sách, phải lấy điều kiện bình thường và biên độ dao động để tính toán, điều hành linh hoạt tránh tác động tăng giá đột biến cho xăng dầu.

Về tỷ lệ % thuế trong giá thành xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường là tuyệt đối đánh vào giá xăng dầu nên không được xếp vào tỷ lệ %. 

Còn hiện, xăng dầu có 3 loại thuế lớn là thuế nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường… Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với xăng dầu 4.000 đồng/lít đối với xăng và 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, trong điều kiện giá dầu thô thế giới từ 90-100 USD/thùng thì tỉ lệ thuế trong giá xăng là khoảng 31% đối với xăng, 18,7% đối với dầu.

Bộ này cho rằng, hiện nhiều nước mức thuế trong xăng dầu ở khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn có tỉ trọng thấp hơn). Nếu tính chi tiết các loại thuế cộng dồn, thuế xăng dầu của Việt Nam đang ở ngưỡng dưới 31%, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.

Riêng về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cho rằng, hiện thuế TTĐB đối với xăng các loại của Việt Nam có thể thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN hoặc nước có chung đường biên giới như Thái lan đang áp dụng là 6,5 Bath/ lít đối với xăng khoáng và 5,85 Bath/ lít đối với xăng 95 E85, 2,99 Bath/ lít đối với dầu diesel; Singapore là 0,41 Đô la Singapore/ lít; Trung Quốc là 1,52 Nhân dân tệ/ lít, tỷ lệ 15,6%; Campuchia 15%, Lào 16%…

Chính vì vậy, việc tăng tối đa khung thuế bảo vệ môi trường theo Bộ Tài chính là phù hợp với xu hướng điều chỉnh thuế đối với sản phẩm hoá thạch nhằm bảo vệ môi trường của các nước. Đồng thời, tại COP 26, Chính phủ Việt Nam cam kết năm 2050 sẽ cắt giảm phát thải về 0, do đó cần có lộ trình thực hiện dần từng bước.

Hiện, thuế suất lớn nhất hiện hành vẫn là thuế nhập khẩu, trong đó nhập khẩu MFN (tối huệ quốc - các nước trong WTO, không ký FTAs riêng với Việt Nam, có thuế suất thuế nhập khẩu 20%), các nước có ký FTAs với Việt Nam được hưởng ưu đãi đặc biệt, thuế suất 8-10% (trong đó Hàn Quốc, Singapore, Malaysia chủ hàng gần 90% xăng nhập của Việt Nam).

Các sắc thuế còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt (không đánh vào mặt hàng dầu) cũng dao động từ 8-10% (tuỳ loại) và thuế VAT là 10%, ngoài ra còn chi phí kinh doanh, tồn kho được tính vào cấu thành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, so sánh tỷ lệ thuế trong giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước là chưa thoả đáng bởi phải căn cứ vào mức thu nhập bình quân của Việt Nam đang thấp hơn thu nhập bình quân người dân Thái Lan, Trung Quốc và không thể so với Singapore được.

Chính vì vậy, việc cân đối giảm thuế cần phù hợp để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, trong đó cần tính đến giảm mức tối thiểu thuế Tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhiên, nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, vận tải, sẽ khiến giá dịch vụ, hàng hoá tăng cao.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là 2/3 sắc thuế nội địa cần được linh hoạt điều chỉnh nhằm giảm áp lực chi phí cho sản xuất. "Không nói là giảm thuế để kích cầu tiêu dùng xăng dầu mà nếu không giảm thì đây vẫn là mặt hàng không thể thiếu cho sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cần xem xét việc giảm thuế lâu hơn, thậm chí bỏ thuế khi ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông", ông Doanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem