Doanh nhân dạy con kinh doanh thế nào?

Doanh nhân Sài Gòn Thứ hai, ngày 09/02/2015 19:00 PM (GMT+7)
Dạy con kinh doanh không đơn thuần chỉ là dạy chúng cách mua – bán, mà còn phải cho chúng cách phân biệt, chọn lọc những giá trị tốt, cách theo đuổi niềm đam mê, cách vượt qua những thất bại để đạt đến thành công, theo Ian Altman.
Bình luận 0

Là cha của hai đứa con đang trong độ tuổi vị thành niên, Ian Altman (ảnh) - CEO của Công ty Grow My Revenue và là tác giả của 2 cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon là Upside Down Selling (tháng 2/2012) và Same Side Selling (tháng 5/2014) - mong muốn các con mình có thể học hỏi được những giá trị tốt, biết theo đuổi những khát khao của bản thân, và đặc biệt là tiếp thu những điều hay từ lĩnh vực kinh doanh.

img

Hiện nay, có rất nhiều ngành nghề hấp dẫn người trẻ ở đủ mọi lĩnh vực, nhưng Ian Altman cho rằng, “thật đáng xấu hổ nếu một trong những nhà khoa học hoặc kỹ sư tương lai của chúng ta không hề biết gì về cách vận hành một doanh nghiệp hoặc việc bán ý tưởng”.

Vì thế, đây chính là lúc để mỗi người thay đổi cách mà chúng ta dạy con trẻ về kinh doanh. Theo Ian Altman, cách tốt nhất để tìm hiểu về kinh doanh chính là học hỏi từ kinh nghiệm thực tế và đặc biệt là từ những sai lầm đã qua.

Bài học dành cho “doanh nhân tương lai” thích bóng đá

Ian Altman có một cậu con trai 13 tuổi rất mê môn bóng đá, hơn nữa còn là một chàng thủ môn khá cừ. Vào ngày sinh nhật gần đây nhất của cậu, Ian Altman đã tặng con một món quà đặc biệt: cổ phiếu của câu lạc bộ Manchester United.

Thế là không cần phải có một sự ép buộc hoặc sai khiến nào, cậu con trai của Ian đã tự mình theo dõi giá trị của cổ phiếu hàng ngày. Và cậu ta nhanh chóng nhận ra rằng, giá trị của câu lạc bộ vốn không dính dáng trực tiếp đến các chiến thắng của đội bóng hoặc những thiệt hại trên sân.

Cậu nhóc này cũng rất thích trò chơi điện tử bóng đá FIFA. Và trong trò chơi này, có một thị trường chuyển nhượng các cầu thủ tương tự như ngoài đời thực. Bạn có thể dùng tiền để mua xu (đơn vị tiền tệ trong trò chơi), rồi dùng xu để mua cầu thủ. Tùy theo mức độ mạnh – yếu và trình độ kỹ thuật mà mỗi cầu thủ có các mức giá (được quy thành xu) khác nhau.

Khi con trai Ian Altman muốn mua thêm cầu thủ, ông đã nói: “Con không thể đơn giản chỉ dùng tiền để mua cầu thủ. Bố sẽ cho con một ít tiền đầu tư, con hãy tìm cách tạo lợi nhuận để có thể mua thêm nhiều cầu thủ giỏi mình mong muốn”.

Rồi, bạn có tin không, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, cậu bé đã nâng con số 300.000 xu lên thành 750.000 xu. Thay vì chỉ chăm chăm vào việc mua trực tiếp các cầu thủ mình yêu thích, cậu bé đã biết vạch ra chiến lược để liên tục nâng cao giá trị tài khoản ảo của mình. Cậu đem số tiền ít ỏi ban đầu đi mua các cầu thủ có giá rẻ rồi rèn luyện bằng các trận bóng, sau đó bán lại với giá cao.

Cậu con trai của Ian Altman đã tiếp thu một cách hiệu quả thông qua việc trải nghiệm và… mắc lỗi. Cuối cùng, cậu ấy đã hiểu được một trong những khía cạnh cốt lõi của lĩnh vực kinh doanh, đó là tối đa hóa giá bán và tối thiểu hóa giá mua.

Đây là một bài học nho nhỏ nhưng rất hữu ích và dễ tiếp thu, bởi vì nó dựa hoàn toàn vào sở thích và niềm đam mê của cậu bé.

Bài học dành cho “doanh nhân tương lai” thích công nghệ

Jason Weisenthal - CEO đồng thời là nhà sáng lập của trang WallMonkeys.com - cũng có một cậu con trai tên Zach còn đang ở độ tuổi vị thành niên. Anh chàng này cực kỳ đam mê lĩnh vực công nghệ. Jason đã đưa Zach đến tham dự một sự kiện đặc biệt của Yanik Silver mang tên “Maverick 1000 Family Freedom”.

Tại sự kiện, một trong những vấn đề được các chuyên gia tư vấn chính là làm thế nào để xây dựng thành công một trang web riêng. Cuối tuần, các “học viên” sẽ học được cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng, định giá dịch vụ và thực hiện một bài tập để trải nghiệm việc nhận lợi nhuận hoặc phải chịu lỗ trong kinh doanh.

Vậy là trong chưa đầy một năm sau, Zach đã sở hữu một công ty kinh doanh phát đạt được gọi là Thiết kế web Zach (Zach’s Web Designs). Cậu học được cách quản lý cùng lúc việc học, kinh doanh và nhiều hoạt động khác. Quan trọng hơn hết, công ty này chính là “đứa con” quý giá do chính cậu “sinh ra” chứ không phải thuộc sở hữu của bố mẹ.

Zach nắm trong tay một “bộ sưu tập” những khách hàng đồng ý trả cho cậu một mức giá hợp lý cho dịch vụ thiết kế web theo đúng nhu cầu của họ, đồng thời họ cũng phải chi ra một khoản phí cố định hàng tháng để duy trì hoạt động của các trang web đó. Bằng cách đó, Zach đã hiểu được giá trị của các nguồn thu định kỳ hàng tháng.

Ian Altman từng hỏi Zach về bài học lớn nhất của cậu và nhận được câu trả lời rằng: “Tôi từng có một khách hàng khiến tôi rất ‘đau đầu’ vì không thể hiểu được ý tưởng của cô ấy, và vì thế mà tôi hoàn toàn bị rơi vào thế kẹt. Tuy nhiên cuối cùng chúng tôi cũng giải quyết được vấn đề, và khách hàng rất hài lòng. Do đó, hiện nay chúng tôi luôn thực hiện một khảo sát ngắn với mọi khách hàng để đảm bảo rằng mình cảm thấy hoàn toàn tự tin đối với dự án trước khi bắt đầu nó. Tôi sẽ không bắt tay vào thực hiện dự án khi chưa biết chắc rằng mình có đem lại được kết quả hay không”.

Đây chính là điều mà Ian Altman gọi là “một triết lý kinh doanh tuyệt vời”. Rõ ràng là, mỗi một thử thách mà Zach phải đối mặt sẽ mang đến một bài học mà cậu không thể nào được dạy ở trường.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem