Cái tết không bánh kẹo
Cựu chiến binh Ngô Sỹ Kiều sinh năm 1960 tại xã Thịnh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1978, khi tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ đã tình nguyện nhập ngũ vào Quân khu 9, làm một người lính công binh với nhiệm vụ rà phá bom mìn.
|
Anh Ngô Sỹ Kiều hướng dẫn công nhân tại xưởng may. |
Sau một năm huấn luyện, anh được phân công làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở nước bạn Campuchia. Năm 1980, trong một lần phá bom, anh vướng mìn nổ bị thương, vết thương quá nặng khiến anh phải nằm điều trị 4 tháng ròng. Thế nhưng, với nhiệt huyết tuổi trẻ, nên dù vết thương còn chưa khỏi anh đã xin quay trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ cao cả của mình.
Chiến tranh biên giới qua đi đã lâu, thế nhưng đến tận bây giờ nhiều kỷ niệm trên chiến trường anh vẫn nhớ như in và chắc sẽ không bao giờ quên. Anh Kiều tâm sự: “Có lẽ kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đó là cái Tết năm 1980. Sau khi giải phóng Phnom Penh, quân PolPot bao vây với mục đích giành thế chủ động khiến đơn vị bị cô lập với bên ngoài. Đúng vào ngày 28 Tết, toàn đơn vị nhận được lệnh phải bảo vệ chốt, trong điều kiện lương thực, thực phẩm không kịp tiếp tế, năm ấy cả đơn vị không có tết”.
Năm 1985, anh Kiều xin ra quân với lý do, trình độ năng lực nghiệp vụ trong quân đội của mình chưa được qua trường lớp, cùng với sức khỏe yếu, lúc đó anh đã mất tới 41% sức lao động. Cuối năm 1989, anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy- người cùng huyện.
Anh Kiều đã nắm bắt được kỹ thuật may từ trong quân đội, chị Thúy cũng đã học ở bên ngoài, nên vợ chồng anh quyết định thành lập hiệu may. Do tận tình phục vụ khách nên ngay từ bước đầu, hiệu may của anh chị đã thu hút rất đông khách. Không dừng lại ở đó, anh chị còn dạy nghề may cho khá nhiều người trong xã. Khách mỗi ngày một đông, hiệu may phải thuê thêm người làm và dần dần, sản phẩm may của anh chị đã phân phối khắp huyện Hậu Lộc.
Đi lên từ bài học xương máu
Không hài lòng với những gì đã làm được, ý tưởng mở xưởng may cứ ấp ủ trong anh Kiều. Theo dõi, khảo sát tình hình trong suốt 4 năm, thấy thị trường may mặc ngày một phát triển, anh đã quyết định chuyển hướng sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất sản phẩm mang tính thương mại hóa - tập trung. Phương châm của anh Kiều hồi đó là: “Dám nghĩ, dám làm, gom hàng tập trung, bán tập trung để thu tiền tập trung”. Từ những bước chuẩn bị cơ bản đó, tháng 11.2007, anh quyết định thành lập công ty, khi trong tay chỉ vẻn vẹn 400 triệu đồng cùng mảnh đất hơn 1.000m2, trong khi chi phí cho xây dựng xưởng phải hết 1,5 tỷ đồng.
Với những bài học được đúc kết bằng xương máu từ trong chiến trường, đó là khả năng xây dựng cơ bản, biết cách làm, thực hành tiết kiệm trong xây dựng, anh đã vay ngân hàng 400 triệu đồng, 400 triệu đồng vay anh em trong gia đình, cộng với số tiền tích cóp được, anh đã xây dựng thành công doanh nghiệp may mặc mang tên Công ty TNHH Chương Hưng, với tổng chi phí hết 1,2 tỷ đồng. Bước đầu đi vào hoạt động công ty đã gặp không ít khó khăn do công nhân tay nghề không đồng đều, mang tính thời vụ, kỹ thuật cắt may không có, năng lực quản lý yếu, đơn hàng nhận được ít với đơn giá thấp nên bị lỗ.
Hiện nay, doanh nghiệp Chương Hưng đã trở thành một trong những doanh nghiệp may xuất khẩu khá lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với cơ sở sản xuất khang trang trên diện tích 1.500m2, có đội ngũ kỹ thuật và công nhân khá lành nghề, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo Luật Lao động. Doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương, có thời điểm lên tới 150 lao động, thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng; doanh thu hàng năm đạt trên 3,5 tỷ đồng.
Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, anh Kiều vừa làm, vừa khắc phục, vừa học hỏi thêm từ những doanh nghiệp khác. Đầu năm 2010, anh trực tiếp bắt tay vào vừa làm, vừa quản lý. Tháng 4.2010, đơn hàng áo lông đầu tiên với 15.000 chiếc được xuất đi châu Mỹ đã khiến công ty của anh tự tin hơn. Công nhân được anh đào tạo dần dần nắm bắt được kỹ thuật, sản phẩm ít lỗi, thời gian giao hàng đúng tiến độ nên các đơn đặt hàng ngày một nhiều. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp Chương Hưng là các nước châu Âu, châu Mỹ, thế nhưng thị trường nội địa cũng được anh đặc biệt quan tâm.
Cùng với những bước trưởng thành của doanh nghiệp, thương binh Ngô Sỹ Kiều luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình khó khăn. Năm 2010, doanh nghiệp của anh đã đóng góp, xây dựng 1 nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh là thương binh trong huyện. Tuy là chủ doanh nghiệp, nhưng anh Kiều thường xuyên xuống tận xưởng may trực tiếp tham gia may với các công nhân, tận tình chỉ bảo cho họ. Với nghị lực, dám nghĩ dám làm, giờ đây anh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của tỉnh Thanh Hóa”.
Hoàng Văn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.