Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khoảng 22h đêm, khẽ đẩy cửa phòng con trai, đặt cốc sữa và mấy lát bánh lên bàn, chị Thu lại vội vàng đi ra. Công việc này đã diễn ra thường lệ gần 2 tháng qua, khi Phạm Đức Anh, sinh viên lớp Y6YK1, Trường ĐH Y Hà Nội, con trai chị Nguyễn Thị Thu (ở Trường Chinh, Hà Nội), bước vào giai đoạn nước rút ôn tập cho kì thi Bác sĩ nội trú của trường được tổ chức ngày 14-15/8.
Tròn 10 năm trước, cũng trong những ngày tháng 7, tháng 8, chị Thu giãn việc cơ quan, dành thời gian chăm chút con trai cả Phạm Anh Tuấn thi Bác sĩ nội trú . Chị nhớ ngày đó Tuấn thi khác với Đức Anh bây giờ do Trường ĐH Y Hà Nội đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tuấn được đăng kí nguyện vọng ngành học từ đầu, hình thức thi tự luận nên có giới hạn kiến thức ôn tập. Tuấn trúng tuyển Bác sĩ nội trú Tai Mũi Họng và hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Y Hà Nội.
Năm nay có 952 thí sinh dự thi Bác sĩ nội trú để xét tuyển 444 chỉ tiêu. Như vậy, trên một nửa thí sinh không có cơ hội học Bác sĩ nội trú.
Đức Anh ôn thi vất vả hơn vì thi trắc nghiệm và không có giới hạn kiến thức. Dù chuẩn bị từ năm thứ nhất nhưng thời điểm nước rút, Đức Anh vẫn căng thẳng. Khác hẳn với hình ảnh cậu út luôn ríu rít bên mẹ khi về nhà, thời điểm này chị Thu chỉ được trò chuyện với Đức Anh trong bữa ăn. Buổi tối, em học đến nửa đêm. Sau đó để báo thức 3h sáng dậy học tiếp. Sợ mẹ thức giấc, nên sáng nào cũng rón rén mở cửa vệ sinh cá nhân. Khoảng 3h30, chị Thu nhìn sang phòng đã thấy con ngồi nghiêm chỉnh học bài. “Thời gian này nếu không có gì cần thiết, mẹ ít vào phòng để con tranh thủ học bài”, Đức Anh nhắn nhủ với mẹ. Tóc đã dài trùm tai, nhưng cậu quyết định sau khi thi xong mới cắt để có thời gian ôn tập. Thi thoảng để giảm áp lực học tập, Đức Anh với cây đàn ghi ta góc phòng, gẩy một, hai bài rồi lại tiếp tục với những giáo trình Giải phẫu, Nội, Sinh lí…
Từ nhỏ Đức Anh theo mẹ đến bệnh viện nên yêu thích công việc ngành y. Chính vì vậy, dù là chủ nhân của 2 Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, Đức Anh nhất quyết ở lại Việt Nam để học Y. Trong thời gian học lâm sàng tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tiếp xúc với những người bệnh đã lớn tuổi, trong đó có nhiều người mắc bệnh Alzheimer hay Parkinson, được nghe họ kể chuyện, Đức Anh càng có động lực để khẳng định lực chọn của mình là đúng đắn.
PGS.TS Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lí đào tạo Sau ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định, Bác sĩ nội trú là kì thi vừa khốc liệt vừa độc đáo và mang đầy vẻ đẹp y khoa khi mỗi sinh viên Y khoa chỉ được dự thi Bác sĩ nội trú duy nhất 1 lần trong đời ngay trong năm tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa. Cách đây tròn 50 năm (1974), lãnh đạo Bộ Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội quyết định tổ chức một kì thi lựa chọn sinh viên ưu tú nhất để học Bác sĩ nội trú làm hạt giống trong y tế khi đất nước thống nhất. Tính cạnh tranh cũng rất lớn. Năm nay, ngoài sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội còn có sinh viên của 17 trường ĐH khác. Bác sĩ nội trú là con đường ngắn nhất để trở thành bác sĩ giỏi. Khi bước chân vào cổng trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên Y khoa đã thấm nhuần điều này. “Những khốc liệt của kì thi Bác sĩ nội trú không phải để làm khó thí sinh mà để chọn được thí sinh xứng đáng nhất với ngành Y”, PGS Giang nói.
Chắt chiu từng cơ hội cho bệnh nhân
Khu nhà B3 với các giảng đường tầng 3, Trường ĐH Y Hà Nội những ngày này luôn sáng đèn, bật điều hòa từ 7h đến 23h. Mỗi giảng đường hàng trăm chỗ ngồi im lặng, khác với sự ồn ào ngày thường khi không có thầy cô đứng lớp. Mỗi chỗ ngồi của sinh viên ôn thi nơi đây giống như phòng ở di động, nào là gấu bông có thể với tay ôm luôn tranh thủ chợp mắt nếu học mệt, nào nước uống, sữa… Nguyễn Thị Phương Anh, lớp Y6YK5, cho biết sau khi thi tốt nghiệp, đây là nơi em “tu” để chuẩn bị cho kì thi quan trọng nhất.
Hằng ngày, khoảng 22h30 em mới chính thức về phòng trọ. Mãi đến năm lớp 12, Phương Anh mới quyết định chọn học Y vì thấy thích môn Sinh học. Sự tận tình của thầy cô, bác sĩ đã tiếp thêm cho Phương Anh động lực để theo đuổi ngành học này. Em mong muốn sẽ đủ điểm để vào ngành Bác sĩ nội trú Nhi khoa .
Mỗi lần thực tập tại viện, nhìn những em nhỏ nằm viện để giành giật sự sống, sự nhẹ nhàng, ân cần của bác sĩ Nhi khoa đã để lại ấn tượng mạnh trong Phương Anh. Có bé bị ung thư, phải điều trị hóa chất rất đau nhưng các em luôn hồn nhiên mỉm cười, có em may mắn vượt qua, có em không. Có em sinh ra đã gắn với bệnh viện, nhìn các em, ai cũng nuốt nước mắt vào trong. Chính vì những hình ảnh đó mà em mong muốn được trở thành một bác sĩ Nhi khoa sau này.
Trần Lê Đức Anh, lớp Y6YK3, cũng rất căng thẳng trước kì thi Bác sĩ nội trú . Em muốn có nhiều thời gian để học, nhưng vì lo lắng quá nên mất ngủ, em phải dùng thuốc hỗ trợ. 6 năm học, bên cạnh người thầy truyền cảm hứng là Đinh Huỳnh Linh, những lần đi lâm sàng, tiếp xúc với bệnh nhân là động lực lớn nhất để Đức Anh phấn đấu trở thành bác sĩ.
Mỗi bác sĩ đều mang trong mình một trọng trách là chắt chiu từng cơ hội sống cho người bệnh. Mọi hành động của họ đều vì lợi ích của bệnh nhân và các thầy cô luôn hướng sinh viên đến điều này. Em đã hiểu và cảm nhận được qua những lần hiếm hoi được đi thực tập tại các bệnh viện trong thời gian COVID-19 bùng phát ở Việt Nam. Đó là động lực để em giữ được lửa trong quá trình học.
Nguyễn Thanh Bình, lớp Y6YK1, nhận thấy một ngày trôi qua thật nhanh, không đủ thời gian để ôn luyện, đến khi đi ngủ cũng mơ đến kiến thức. Bình cũng mong muốn được trở thành bác sĩ Nhi khoa giỏi nên cố gắng ôn tập để đỗ Bác sĩ nội trú. Khi đi lâm sàng tại các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, em nhận thấy ngành Y không chỉ đòi hỏi bác sĩ phải có năng lực chuyên môn mà còn phải có sức khỏe, kiên nhẫn và khả năng làm chủ bản thân và phải là người dũng cảm.
Trong thời gian COVID-19, em hiếm hoi được đi lâm sàng tại khoa Tim của Bệnh viện E Hà Nội. Tại đây, Bình gặp bệnh nhi người dân tộc tên Vừng A Páo bị tim bẩm sinh Fallot 4, hội chứng Eisenmenger đảo ngược. Lúc đó Páo 11 tháng tuổi và đã có 2 vết mổ lớn ở ngực. Páo ở giai đoạn rất nặng và không thể can thiệp, luôn ở trong tình trạng được bác sĩ túc trực cấp cứu 24/24.
Mỗi lần gọi bố mẹ Páo trao đổi, các bác sĩ đều thầm lặng, có khi còn có chút lạnh lùng, không bộc lộ cảm xúc. Nhưng đó cũng là những lúc các bác sĩ cần một cái đầu lạnh, một trái tim ấm nóng để đưa ra được quyết định mang tính sinh tử và tạo được niềm tin cho người nhà bệnh nhân. Bây giờ Páo không còn, nhưng gia đình cũng an lòng vì đã hết lòng cứu chữa cho con. Bình bắt đầu cảm nhận được rằng y học là hữu hạn nên rất cần sự tận tâm của mỗi người bác sĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.