Độc đáo làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh

Nguyễn Duyên Thứ hai, ngày 17/05/2021 07:29 AM (GMT+7)
Từ bao đời nay, với người nông dân Hà Tĩnh, chiếc áo tơi là vật dụng quen thuộc để che nắng che mưa. Làng nghề chằm áo tơi của thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, đã từng có một thời hưng thịnh và ngày nay đang được người dân khôi phục như một vốn quý của vùng nông thôn này.
Bình luận 0

Khôi phục làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh

Thôn Yên Lạc (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được xem là "cái nôi" của nghề thủ công chằm (đan, may) áo tơi ở Hà Tĩnh. Ngày nay, kể cả những người cao tuổi cũng không ai biết chính xác nghề này có từ bao giờ, họ chỉ biết nghề này đã có từ rất lâu đời. Và các thế hệ người dân ở đây đang kế thừa, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Trước đây, nghề này đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.

Độc đáo làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Nông dân sử dụng áo tơi đi gieo mạ. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là nơi có khí hậu khá khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng cháy da, mùa đông rét thấu xương thịt. Để chống chọi trước thời tiết khắc nghiệt ấy, từ bao đời qua, người dân đã sáng tạo ra một vật dụng và nó được ví như chiếc áo giáp bảo vệ con người trước mọi thời tiết đó là chiếc áo tơi.

Theo những cụ cao tuổi nơi đây, trước đây, áo tơi được dùng cả mùa nắng lẫn mùa mưa nên người dân chằm áo tơi quanh năm. Áo tơi có cả loại dùng cho mùa nắng và áo tơi dùng cho mùa mưa. Nhưng giờ, họ chỉ làm áo tơi dùng cho mùa nắng. Thời gian tập trung làm cao điểm từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch.

Ngày nay, vào những ngày mùa, trên những cánh đồng, những chiếc áo tơi lại xuất hiện cùng người nông dân, nhất là những ngày nắng nóng.

Mặc dù, người dùng áo tơi ít hơn trước rất nhiều, nhưng người dân thôn Yên Lạc vẫn duy trì công việc chằm áo tơi. Hầu hết họ là những người cao tuổi, tranh thủ những lúc nông nhàn, chằm áo tơi bán để vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình vừa giữ lại nghề truyền thống.

Độc đáo làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Người dân khôi phục nghề làm áo tơi, phục vụ cho bà con quanh vùng. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Đăng Quế (70 tuổi) ở thôn Yên Lạc, cho biết: "Nghề chằm áo tơi ở Yên Lạc ra đời lâu lắm rồi. Lúc còn nhỏ tôi đã thấy ông bà, bố mẹ chằm áo tơi rồi. Trước đây, người dân trong thôn lớn lên đều biết chằm áo tơi, người người chằm áo, nhà nhà chằm áo. Ngày nay, tuy số người làm nghề giảm hơn, nhưng nghề này vẫn luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển nguyên vẹn.

Chằm áo tơi được coi là nghề khá nhẹ nhàng, không mất nhiều vốn, mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể làm được. Mỗi ngày, một người có thể chằm được từ 5 đến 8 chiếc áo tơi.

Theo người dân Yên Lạc, mùa nắng chằm áo tơi hoàn toàn bằng lá tơi để che nắng nóng, giảm mồ hôi khi đi ngoài đường hoặc khi làm ngoài đồng. Mùa mưa, chiếc áo tơi được chằm bằng lá tơi kết hợp với lá cọ giúp giữ ấm hơn. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân không còn chằm áo tơi mùa mưa nữa, thay vào đó, chỉ chằm áo tơi mùa nắng bằng lá tơi.

Độc đáo làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Một công đoạn làm áo tơi. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Độc đáo làng nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Nói về quy trình làm áo tơi, người dân ở Yên Lạc chia sẻ, tuy chiếc áo tơi có cấu tạo khá đơn giản, nghề làm áo tơi không kỳ công như nghề làm nón, nhưng để chằm được hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi có sự kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo của người làm nghề.

Những chiếc lá tơi được người làm xếp thành lớp, thành hàng sau đó được cố định (may) bằng những sợi dây mây chẻ nhỏ, tuốt nhẵn.

Trước đây, rừng còn nhiều, nguyên liệu để chằm áo tơi dễ lấy hơn. Nhưng ngày nay, phải đi xa hơn, có khi phải đi 2 đến 3 ngày mới đi được một chuyến, mất nhiều thời gian hơn nên chủ yếu người ta mua nguyên liệu để chằm tơi.

Nguyên liệu để chằm tơi gồm: Lá tơi, dây mây. Họ tự sắm cho mình những cây thước, bàn gỗ để chằm áo tơi. Trước đây, chiếc áo tơi được chằm ngay trên nền đất, nhưng sau này người dân đóng những chiếc bàn bằng gỗ dài khoảng 1,2m, rộng 1m để làm nền chằm tơi.

Lá tơi được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ (không quá già mà cũng không quá non). Sau khi tuyển chọn lá xong, lá được đem hơ sấy trên lửa cho khô. Sau đó, phơi nắng cho đến lúc lá khô, chuyển màu trắng đều; tiếp đó lại đưa ra phơi dưới sương đêm để cho lá nở xòe ra, dai hơn, bền hơn. 

Mỗi chiếc áo tơi có lớp ngoài và lớp trong, chiều dài, rộng trên cổ áo tơi khoảng 80cm, phần dưới rộng khoảng 95cm. Tuy nhiên, nhiều khách hàng có sở thích riêng khi đến làng đặt chằm áo tơi theo kích cỡ dài 1m, rộng 80cm hoặc dài 1m, rộng 90cm…

Mỗi chiếc áo tơi, nếu người dân bán với giá từ 60 đến 100 ngàn đồng, mỗi chiếc áo như vậy họ lãi khoảng 50 ngàn đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trọng Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: Trước đây, trên địa bàn toàn xã nhà nào cũng đều có người làm nghề chằm áo tơi. Nhưng hiện nay, chỉ còn tập trung tại thôn Yên Lạc, toàn thôn có gần 40 hộ làm, chủ yếu là những người trung niên, người già làm. Đây là một ngành nghề phụ mang lại thu nhập cho người dân. Có những hộ dân thu nhập 15 - 20 triệu/mùa. Sản phẩm chủ yếu phục vụ cho bà con nông dân. Để duy trì làng nghề truyền thống này, vừa qua, đã thành lập THT để phát triển đầu ra cho làng nghề. Đồng thời tăng cường quảng bá tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh và cũng được khách thích thú, nhiều người đặt mua. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem