Nếu may mắn, mỗi ngày họ có thu nhập từ 400 – 500 ngàn đồng, hôm khó làm, mỗi người chỉ được tầm 100 ngàn đồng. Nhọc nhằn mưu sinh với nghề cào dắt, nhưng với họ nghề đã ngấm vào máu.
Từ sáng sớm trên trên bãi triều biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai có hàng chục người đi cào dắt biển. Đây là nghề giúp cho bà con ngư dân vùng biển trang trải cuộc sống, thêm thu nhập cho gia đình mình
Dụng cụ cào dắt là chiếc xăm dài 4 – 6 mét; miệng xăm được gắn chiếc dao cạo nằm trong khung sắt hình chữ nhật. Đặc điểm của con dắt là kiếm ăn vào nửa đêm cho đến hết buổi sáng, nên để bắt được con dắt, ngư dân phải đi cào từ đêm. So với khai thác hải sản khác, cào dắt dù vất vả hơn nhưng ngư dân được đi về trong ngày, thu nhập cũng khá và tương đối ổn định.
Nơi cào dắt thường là những bãi cát sát triền biển, độ sâu 0,5 - 1m so với mặt nước. Một lượt cào dài 10 - 20m. Tính ra mỗi buổi cào dắt, người ta phải di chuyển trên 10 km. Chưa kể người làm nghề này còn phải ngâm mình liên tục dưới nước từ 3- 5 tiếng đồng hồ, lưng gập đi vì cúi lom khom suốt buổi.
Cào liên tục đến 3 giờ sáng nước ròng thì người cào kiếm chỗ nghỉ ngơi, sáng ra chờ nước cạn khoảng 8, 9 giờ lại tiếp tục cào cho đến 11 giờ trưa thì thu dọn dụng cụ, vận chuyển dắt lên ô tô cho chủ thu gom rồi về nhà. Sản phẩm của một ngày của Lê Thị Tình là đây.
Dắt biển là loại nhuyễn thể vỏ 2 mảnh họ hàng với sò, ngêu, tu hài… con lớn nhất chỉ bằng móng tay cái người lớn, có màu trắng đục. Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch là bắt đầu vào mùa vụ khai thác con dắt biển.
Dắt được đóng vào mỗi bì 60 kg và vận chuyển đi tiêu thụ. Ngoài làm thức ăn, dắt được dùng làm thức ăn cho tôm cá. Nhu cầu bên thu mua cần số lượng lớn nên khu vực đánh bắt được mở rộng, ngư dân làm nghề này thường đi thăm các bãi triều trong và ngoài tỉnh, thấy chỗ nào có nhiều dắt sẽ lập thành từng nhóm từ 20 – 40 người vào khai thác.
Dắt chế biến được rất nhiều món ngon thanh mát trong mùa hè
So với khai thác hải sản khác, cào dắt dù vất vả hơn nhưng ngư dân được đi về trong ngày, thu nhập cũng khá và tương đối ổn định. Ngoài dụng cụ cào dắt chi phí hết khoảng 300 ngàn đồng trong cả vụ từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, thì không phải đầu tư thêm khoản tiền nào.
Nguyễn Vân (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.