Cải thiện đời sống dân vùng nông thôn
Hơn 8 tháng nay, việc đi lại của người dân ở 2 ấp Phú Trường và Phú Đa của xã Phú Hữu (huyện Long Phú) thuận tiện hơn nhờ có chiếc cầu thép dài 18m, rộng 1,5m nối liền 2 ấp trên được đưa vào hoạt động.
Theo nhiều người dân địa phương, sau nhiều năm đi lại hai bờ bằng chiếc cầu khỉ gập ghềnh, không an toàn, giờ đây họ cảm thấy rất phấn khởi vì đã có chiếc cầu thép mới.
“Trước đây bà con trong ấp vẫn phải đi trên cây cầu tạm qua sông đã xuống cấp, trời mưa thường động nước gây trơn trợt, không đảm bảo an toàn giao thông, nhất là đối với người già và trẻ em. Còn nay thì yên tâm, cây cầu thép này vừa chắc chắn, lại vừa đẹp” – ông Phan Văn Giang (ngụ ấp Phú Đa, xã Phú Hữu), chia sẻ.
Những chiếc cầu nông dân bằng thép, siêu nhẹ - bền được người dân đón nhận. Ảnh: CTV.
Theo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, đây là cây cầu được thực hiện theo dự án “Xây dựng cầu thép lắp ghép kiểu mẫu vùng nông thôn”. Dự án do Chương trình viện trợ trực tiếp (DAP) của Tổng Lãnh sự quán Úc tài trợ và được Hội Nông dân tỉnh triển khai cùng sự đóng góp của chính quyền và người dân địa phương, với tổng kinh phí xây dựng là 90 triệu đồng.
Được biết, cầu thép lắp ghép nông thôn với thiết kế đơn giản có ưu điểm là nguyên vật liệu dễ tìm, dễ vận chuyển, lắp ráp nhanh chóng, bảo dưỡng dễ dàng, tiết kiệm chi phí và tính khả thi cao.
Nhờ thiết kế thông minh, những chiếc cầu thép được lắp đặt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Ảnh: CTV.
Nhờ đó, công tác hợp long cây cầu thép đặt lên bệ móng cầu được thực hiện nhanh gọn. Sau khi cây cầu đã được lắp ghép thành hình hoàn chỉnh ở trên mặt đất, dùng cẩu cuốc nâng một đầu cầu lên, nâng kéo cầu qua sông, đặt lên đúng vị trí 2 bệ móng đã xây xong trước đó. Toàn bộ công tác này chỉ mất khoảng 15-30 phút, không sử dụng sức người, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người tham gia thi công.
Tiếp tục nhân rộng
Để có được những chiếc cầu thép bền chắc như hôm, vào năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện thành công dự án thí điểm với mô hình “cầu thép thiết kế đơn giản, lắp ghép nhanh chóng, sử dụng nhân công tại chỗ, tiết kiệm được nhiều chi phí” tại khóm Tân Qui, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu. Dự án thực hiện từ nguồn tài trợ của chương trình DAP.
Với thành công bước đầu đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục lập dự án xây dựng mô hình cầu thép lắp ghép kiểu mẫu, nhằm giải quyết nhu cầu giao thông đi lại hàng ngày cho hội viên, nông dân ở vùng nông thôn tại 4 địa phương là huyện Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách và thị xã Ngã Năm.
Người dân vui mừng trên chiếc cầu théo mới đưa vào sử dụng. Ảnh: CTV.
Ông Phạm Chí Nguyện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Qua công tác khảo sát các địa phương có nhu cầu xây dựng cầu giao thông nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tiến hành thẩm định, lựa chọn địa điểm cần thiết. Sau khi chọn được địa điểm thực hiện, Hội sẽ tiến hành chọn đơn vị gia công - thiết kế, tiến hành đo đạc cầu cần xây dựng, thiết kế bản vẽ và dự toán kinh phí nguyên vật liệu xây dựng.
Trong thời gian thực hiện, Hội Nông dân vận động hội viên, nông dân mỗi địa phương tự chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phát hoang bụi rậm, cây to và làm 2 bệ móng cầu. Sau khi cầu thép đã đặt lên bệ móng cầu, người dân địa phương hoàn chỉnh đường dẫn lên cầu, đảm bảo giao thông thuận tiện.
Cây cầu thép lắp ghép phường 1 – phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CTV.
“Việc có cầu đường hoàn chỉnh sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hội viên, nông dân vùng nông thôn, giúp họ có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực cần thiết trong đời sống. Từ đó, nâng cao năng lực kinh tế của hội viên, nông dân, góp phần phát triển sản xuất đời sống, xây dựng nông thôn mới” – ông Phạm Chí Nguyện nhận định.
Theo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, tỉnh Hội sẽ tiến hành tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa mô hình cầu thép lắp ghép nông thôn, để có thể hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên, nông dân địa phương triển khai nhân rộng ở nhiều nơi khác. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng mong rằng Tổng Lãnh sự quán Úc trong thời gian tới tiếp tục tạo điều kiện để Hội đề xuất các dự án, nhằm hỗ trợ nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tổng kinh phí dự án xây dựng cầu thép lắp ghép kiểu mẫu vùng nông thôn, tại huyện Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách và thị xã Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng là 500 triệu đồng. Trong số đó: Chi phí vật tư cầu thép là 360 triệu đồng (do Tổng lãnh sự quán úc tài trợ); vật tư bệ móng cầu: 20 triệu đồng (do địa phương đối ứng); nhân công và thuê cẩu cuốc là 60 triệu đồng (do địa phương đối ứng); chi phí quản lý dự án là 60 triệu đồng (do Hội Nông dân tỉnh đối ứng).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.