Dòng họ Ngô ở một làng của Bắc Ninh có 10 người đỗ đại khoa, 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa

Chủ nhật, ngày 24/11/2024 05:42 AM (GMT+7)
Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến, dòng họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt (tỉnh Bắc Ninh) được mệnh danh “ngũ đại liên trúng” - 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa.
Bình luận 0

Tuy nhiên, họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có đến 10 đời đỗ tiến sĩ. Trong số đó, 5 đời phát khoa bảng ở chi trưởng và 5 đời ở chi thứ.

Giai thoại họ Ngô phát khoa bảng

Theo huyền tích xưa, làng Vọng Nguyệt có địa thế đẹp, thu hút cả thầy địa lý phương Bắc tìm đến. Giai thoại ở địa phương cho rằng, thuở ấy có một thầy địa lý người Trung Quốc đến ở tạm trong làng. Sau nhiều ngày xem xét địa thế, thầy địa lý đi vòng quanh khắp làng mà rao: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”.

Vì những lời rao khó hiểu nên chẳng mấy ai hỏi han. Cụ tổ họ Ngô làng Vọng Nguyệt thấy sự lạ ấy thì mới mời thầy vào nhà, khoản đãi và ân cần hỏi chuyện. Sau bữa cơm, thầy địa lý mới nói: “Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây.

Nay ông đã có lòng hỏi đến thì tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người có phúc thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.

Dòng họ Ngô ở một làng của Bắc Ninh có 10 người đỗ đại khoa, 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa - Ảnh 1.

Đền thờ họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Nói xong, thầy địa lý giải thích cho cụ tổ họ Ngô về câu sấm truyền và bày cho cách đặt hướng nhà thờ họ. Địa điểm đặt nhà thờ ứng với hai câu sấm là “vườn quýt, ao Lác”. Đó là một vườn quýt bỏ hoang, đằng trước là một cái ao mà người làng gọi là ao Lác. Ở góc ao có một cây gáo cổ thụ, lạ là cây gáo nhiều lần bị chặt nhưng không chết, mà tiếp tục mọc lên một cây gáo khác.

Dưới ao Lác lại có một giếng tròn, rất sâu, bùn ở ao không bao giờ lấp đầy được. Thế đất của vườn quýt dựa vào một gò đất, trông xuống ao Lác. Khi nhà thờ họ Ngô được xây dựng xong, phía Đông Bắc có một ngõ cụt chấm vào, hình dạng giống như một cái bút nghiên.

Bên trái có một rãnh nước chảy dài đổ xuống ao tạo thành thế “tả thanh long”. Bên phải có một ngõ dài chạy xuống sông, tạo thành thế “hữu bạch hổ”. Đồng thời, xung quanh nhà thờ có nhiều ngõ khác chạy đâm thẳng xuống ao Lác như một bàn tay 5 ngón.

Tất cả những đặc điểm đó, phong thủy gọi là thế long chầu hổ phục, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào.

Ngũ đại liên trúng

Dòng họ Ngô ở một làng của Bắc Ninh có 10 người đỗ đại khoa, 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa - Ảnh 2.

Đền thờ họ Ngô Lý Trai tại Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Họ Ngô làng Vọng Nguyệt là một dòng họ rất đặc biệt. Trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, họ Ngô làng Vọng Nguyệt được tôn vinh là một trong “tứ lệnh tộc” và được ghi nhận “ngũ đại liên trúng” - TS Nguyễn Thị Luận, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tương truyền, cụ tổ họ Ngô có quan hệ họ hàng với bà Ngô Thị Ngọc Dao - mẹ vua Lê Thánh Tông. Theo đó, cụ thủy tổ họ Ngô lệnh tộc là Ngô Nguyên, di cư về làng Vọng Nguyệt sau vụ án Lệ Chi Viên (năm 1442).

Khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, bà Ngô Thị Ngọc Dao bị phát khứ đi xa, gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, cụ Ngô Nguyên đành phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt và được vị quan cả tên là Chu Đình Cần che giấu. Sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, vụ án Lệ Chi Viên được làm sáng tỏ thì cụ Ngô Nguyên trở về kinh, để lại hai người con trai cho vợ nuôi.

Gia phả chỉ chép có vậy, còn sự việc về sau thế nào thì không rõ. Sau khi mẹ mất, hai người con trai mỗi người một chí. Cụ Ngô Ngọc (1451 - 1519) ở lại quê học hành, còn cụ Ngô Định thì di cư vào Lý Trai, Nghệ An (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) sinh sống và lập nghiệp.

Cụ Ngô Ngọc là người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô lệnh tộc. Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông, cụ Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), làm quan tới chức Lễ khoa đô cấp sự trung.

Con trai thứ 2 của cụ Ngô Ngọc là cụ Ngô Nhân Hải đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan tới chức Án sát ngự sử.

Cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Tự khanh. Con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông, làm quan tới chức Tự khanh.

Ngô Nhân Triệt tự là Mai Hiên, hiệu là Đức Thành, ngay từ nhỏ, Ngô Nhân Triệt đã có tư chất thông minh, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Tuy nhiên, câu chuyện đỗ đạt của ông cũng khá gian nan. Các khoa thi Ất Mùi (1595), khoa Mậu Tuất (1598), khoa Nhâm Dần (1602) và khoa Giáp Thìn (1604) Ngô Nhân Triệt đều không được dự thi Đình.

Lý do là vì bố của ông là Ngô Nhân Trừng làm quan dưới triều Mạc, nhà Lê xếp những quan chức nhà Mạc vào hàng phản bội. Đây là một vấn đề chính trị phức tạp, nên nhiều con em quan lại triều Mạc đều chịu chung số phận như vậy.

Đến năm 1606, nhà cầm quyền Lê - Trịnh thay đổi cách nhìn nhận, nên khoa thi năm Đinh Mùi (1607) Ngô Nhân Triệt mới được dự thi. Tại khoa thi này, ông đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Con trai thứ hai của cụ Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức Thượng thư bộ Hộ, sau về trí sĩ.

TS Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết: “Hiện, có 5 vị tiến sĩ họ Ngô làng Vọng Nguyệt được khắc tên tại đây. Trong đó có ghi Ngô Nhân Triệt đỗ tiến sĩ Đồng xuất thân tại khoa thi năm Đinh Mùi 1607. Khoa thi này có 3.000 sĩ tử ứng thí, lấy 5 người, Ngô Nhân Triệt đỗ thứ hai”.

Phụ tử đồng khoa

Dòng họ Ngô ở một làng của Bắc Ninh có 10 người đỗ đại khoa, 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa - Ảnh 3.

Bia “Cổ tích thần bi” - một trong những di văn của tiến sĩ Ngô Nhân Triệt ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà thờ họ Ngô làng Vọng Nguyệt còn lưu giữ nhiều sắc phong cùng các tư liệu chữ Hán, cùng tấm bia đá khắc “Ngũ thế liên trúng tiến sĩ” ghi về các khoa thi có người trong họ đỗ tiến sĩ. Nhà thờ Ngô Lý Trai được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1991. Phía sau nhà thờ có cây thị 500 năm tuổi, được công nhận là “Bách niên cổ mộc”.

Ở chi thứ, cụ Ngô Định vào Lý Trai, huyện Đông Thành (xã Diễn Kỷ, Diễn Châu - Nghệ An) lập nghiệp nên gọi là họ Ngô Lý Trai. Tính từ cụ thủy tổ Ngô Định về sau, theo thống kê sơ bộ thì có đến 18 vị đỗ đạt từ tam trường trở lên trong đó có 5 người đỗ tiến sĩ.

Nhắc đến người thầy nổi tiếng của dòng họ Ngô Lý Trai, phải kể đến cụ Ngô Trí Trạch (SN 1509). Tuy đỗ thấp (Tứ trường) nhưng có công lớn trong việc dạy học, có nhiều trò đỗ đại khoa, làm quan lớn trong triều đình nên được phong “Đặc tiến kim tử lộc đại phu”. Cụ là người có công sinh thành Ngô Trí Tri.

Người đỗ đại khoa đầu tiên của dòng họ Ngô Lý Trai cụ Ngô Trí Tri (SN 1535) và con trai Ngô Trí Hòa đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1592) đời vua Lê Thế Tông. Trong đó, cụ Ngô Trí Tri đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, Ngô Trí Hòa đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) năm 28 tuổi. Trường hợp Phụ tử đồng khoa (hai cha con cùng đỗ một khoa) được xem là lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng của nước nhà.

Tại khoa thi năm Bính Tuất (1646), người con thứ 2 của cụ Ngô Trí Hòa là Ngô Trí Vinh đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Năm Giáp Tuất (1694), cụ Ngô Công Trạc đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ và Ngô Hưng Giáo đỗ tiến sĩ năm 1710.

Dòng họ Ngô Lý Trai đã trở thành dòng họ 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Cụ Ngô Trí Tri làm Giám sát ngự sử rồi làm quan đến chức Lễ bộ Tả Thị Lang. Còn cụ Ngô Trí Hòa (con cụ Tri) làm đến chức Thượng thư bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám rồi lên đến Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu.

Hằng năm, tại đền thờ họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt (Bắc Ninh), vào ngày 17 tháng Giêng đều diễn ra lễ giỗ tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Con cháu toàn gia tộc tập trung tại nhà thờ tiến hành cúng lễ tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Còn tại đền thờ họ Ngô Lý Trai (Nghệ An) cứ đến dịp 21/11 âm lịch, con cháu thập phương lại tìm về nhà thờ để làm lễ tế tổ, tri ân tưởng nhớ tổ tiên đã có công khai canh lập ấp ở vùng đất này.

Trần Hòa (Báo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem