Người H'Mông cư trú trên địa bản tỉnh Phú Thọ chỉ chiếm 0,06% trong tổng số khoảng 1,4 triệu dân nhưng vẫn giữ được nguyên nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
Dù giàu hay nghèo nhưng đến Tết của dân tộc mình, nhà nào ở Mỹ Á cũng mổ lợn. Ảnh: Tuấn Trung
Đến với bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ những ngày Tết cổ truyền, văng vẳng tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng hát, tiếng chày dã gạo... của người H'Mông ở nơi đây (Tết của người H'Mông ở Mỹ Á thường trước Tết Nguyên Đán khoảng 1 tháng).
Một phần thịt sẽ được người dân treo lên để chia cho mọi người, phần còn lại đem chế biến cho gia đình dùng. Ảnh: Tuấn Trung
Với người H'Mông ở Mỹ Á, đón Tết cổ truyền của dân tộc mình là sự kiện lớn nhất trong năm, việc bày biện, ăn uống linh đình hơn nhiều lần so với Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Trong ngày Tết cổ truyền của người H'Mông Mỹ Á, dù giàu hay nghèo gia đình nào cũng mổ lợn, tự nấu rượu và làm bánh. Trong mâm mỗ cúng, ngoài rượu, thịt lợn, bánh cổ truyền, người H'Mông Mỹ Á còn thờ cả xà beng, cuốc, xẻng và dán "tiền". "Tiền" ở đây là những tờ giấy trắng, được cắt cầu kỳ, sau đó mọi người viết những mong ước của mình vào rồi dán lên ban thờ, chờ đến Tết năm sau mới gỡ xuống đốt đi để thay những tờ "tiền" khác với những mong ước khác vào.
Trên ban thờ của người H'Mông Mỹ Á ngoài thịt lợn, rượu, bánh còn có cuốc, xẻng, xà beng và dán "tiền". Ảnh: Tuấn Trung
Theo thống kê, tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc có khoảng 100 hộ dân, kinh tế so với các vùng xung quanh không được khấm khá, nhưng hầu hết đã thoát nghèo. Người H’Mông Mỹ Á không gói bánh chưng mà giã bành dày. Mỗi nhà đều có cối và chày gỗ để giã bánh. Cối giã bánh phải làm bằng gỗ thịt, thớ mịn, có mùi thơm được khoét rỗng ruột. Gạo làm bánh giày phải là gạo nếp mới. Gạo được đồ xôi chín tới, không để nát, rồi đổ ra cối giã. Nhịp chày phải thật đều cho đến khi bột nhuyễn, dẻo mịn mới đem nặn bánh. Công việc giã bánh thường đòi hỏi sức dẻo dai nên chủ yếu được giao cho người đàn ông trong nhà. Bánh dày mang cúng ông bà tổ tiên, sau đó sẽ đem ra thiết đãi khách đến chơi.
Rượu ở đầy hầu hết đều do bà con tự nấu để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Ảnh: Tuấn Trung
Ngày Tết của người H'Mông Mỹ Á luôn rộn vang tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng chạm chén và những lời chúc tụng tốt đẹp cho mùa xuân mới. Ngoài ra, khắp bản làng luôn rộn vang tiếng lời bài hát “Ơn Đảng” và “Xuân về bản Mông” do các chàng trai, cô gái miền sơn cước thể hiện trong tiếng cười giòn tan, xua đi những nhọc nhằn năm cũ, hướng về tương lai ngày càng tươi sáng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.