Độc quyền... nước

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kể từ khi các công trình thủy điện ở miền Trung mọc lên như nấm sau mưa, người dân vùng hạ du các con sông lớn đã phải hứng chịu thảm họa xả lũ từ các hồ chứa này mỗi mùa mưa lũ về. Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng, thảm họa từ các công trình thủy điện ấy lại bổ xuống đầu người dân cả trong mùa khô hạn nữa. Tựu trung cũng do “độc quyền nước” mà ra.
Bình luận 0

Bất cứ một công trình thủy điện nào, khi trình các phương án để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư đều nhấn mạnh đến yếu tố này: Góp phần cắt lũ trong mùa mưa và bổ sung nước trong mùa khô hạn cho vùng hạ du.

Từ nhiều năm qua, ngành điện luôn hụt hơi với đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, vì vậy, việc thiếu điện không còn là chuyện lạ nữa. Trong cảnh thiếu điện tứ bề, dân tình kêu trời không thấu ấy, thêm được ký điện nào cho đất nước cũng đều quý cả.

Quý hơn nữa là, các công trình thủy điện, vừa thêm điện cho quốc gia, lại vừa “cắt lũ” và “bổ sung nước” thì cơ quan có thẩm quyền nào mà lại không “duyệt”! Nhưng, nói vậy mà không phải vậy.

Trận lũ năm 2008, một triệu dân vùng hạ du sông Thu Bồn và Vu Gia tỉnh Quảng Nam chìm trong biển nước, “thủ phạm” không ai khác ngoài nước từ các hồ thủy điện được xả cấp tập vì sợ vỡ đập. Chưa kịp “rút kinh nghiệm” mùa mưa lần trước, mùa mưa tiếp theo năm 2009, cả TP. Tuy Hòa và các huyện lân cận của tỉnh Phú Yên lại bị lũ nhấn chìm.

Mùa lũ thì vậy, sang mùa khô hạn thì nhiều đoạn sông trơ đáy do các nhà máy thủy điện phải tích nước để “góp điện cho quốc gia”. Bổ sung nước cho mùa khô đâu chẳng thấy, chỉ thấy hàng loạt thác nước cùng hàng chục km trên sông Sêrêpôk bị khô cạn từ công trình Thủy điện Buôn Kuốp (Đăk Lăk).

Thế nhưng, thực trạng kể trên sẽ “chẳng là gì” so với với việc tích nước của Nhà máy Thủy điện An Khê-Kanak. Việc tích nước này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục vạn nông dân trồng mía ở 3 huyện phía đông của tỉnh Gia Lai. Nhà máy Đường An Khê không đủ nước để hoạt động, nên người trồng mía cũng không thể thu hoạch dù hiện tại đang là đỉnh điểm của mùa khô Tây Nguyên. Để mía ngoài đồng một ngày là người trồng mía phải đối mặt với cảnh trắng tay do mía khô.

Nước sông Ba là tài nguyên chung, mọi người cùng được hưởng lợi. Thế nhưng, nhà máy thủy điện đã không nghĩ thế, họ đã biến cái chung ấy thành “của riêng” cho mình. Nhà máy đường phải chạy vạy gõ cửa khắp nơi để “xin nước” của thủy điện. Cũng là doanh nghiệp như nhau, nhưng ngành điện đã tự cho phép mình “độc quyền nước” khiến người khác phải cầu lụy họ.

Nhân danh mang lại lợi ích cho quốc gia nhưng “vô tình” ngành điện đã gây khó cho các ngành khác khi sử dụng nguồn nước từ các dòng sông có công trình thủy điện, đặc biệt là gây thiệt hại cho nông dân thì mọi sự nhân danh kia trở nên không chấp nhận được.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem