Trao đổi với Dân Việt sáng 4.3, ông Dương Vũ Lâm, Trưởng ban trọng tài VFF, cho biết: “Tôi thấy lạ vì cách chơi của HAGL. Nếu họ cứ chơi phóng khoáng như cách của mình trước đây thì chắc đã không tới mức thua 0-2. Theo tôi, trọng tài Nguyễn Văn Kiên đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong trận đấu này”.
|
HAGL (trái) đã có 90 phút thi đấu nhợt nhạt trước Hà Nội T&T. Ảnh: Minh Hoàng |
Về một trận đấu khác được coi là “điểm nóng” về công tác trọng tài của vòng 1 V.League 2013 giữa XMXT.Sài Gòn-Bình Dương, ông Lâm nhận định: “Trọng tài Hoàng Anh Tuấn cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ việc rút thẻ vàng thứ 2 truất quyền thi đấu của Ngọc Anh (số 7-XMXT.Sài Gòn), tới việc không công nhận bàn thắng ở tư thế việt vị của XMXT.Sài Gòn cuối trận.
Không biết có phải anh Đại (ông Trần Tiến Đại, Giám đốc điều hành kiêm quyền HLV trưởng XMXT.Sài Gòn-PV) coi thường khán giả hay không mà lại phản ứng như vậy. Luật việt vị đã ghi rất rõ rồi và tình huống đó có gì phải bàn đâu”.
|
Trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm cho rằng VFF nên xử mạnh tay với những đội bóng có hành vi phản ứng trọng tài. |
Trở lại với vòng 1 V.League 2013, không phải là chất lượng chuyên môn, mà là “cơn mưa thẻ” cùng với những tranh cãi của lãnh đạo, ban huấn luyện, cầu thủ đội bóng với trọng tài. Điều đáng báo động là việc đôi co với trọng tài dường như đã trở thành “đặc sản” V.League. Đội bóng cứ thua hoặc gặp những kết quả bất lợi là đổ lỗi cho trọng tài.
Trên sân Hàng Đẫy cuối tuần qua, HAGL thi nhợt nhạt, thiếu khát khao, chẳng có đường nét gì khi làm khách của Hà Nội T&T. Nếu thủ môn người Nigeria Akpan chơi không tốt, thì có lẽ họ còn thua nhiều hơn 2 bàn.
Vậy mà đội bóng phố Núi vẫn không phục, hướng sự chỉ trích vào trọng tài chính Nguyễn Văn Kiên. Ông Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh thậm chí còn phải nhận thẻ đỏ vì lỗi phản ứng trọng tài (?!).
Ở một trận đấu khác, “mọi thành phần” của XMXT.Sài Gòn nhảy bổ vào như muốn “ăn thua” đủ khi trọng tài Hoàng Anh Tuấn không công nhận bàn thắng ở phút bù giờ cuối cùng của họ vào lưới Bình Dương vì lỗi việt vị.
Trong tình huống này, những người hiểu luật sau khi xem lại pha quay chậm đều thấy rõ cầu thủ ghi bàn của XMXT.Sài Gòn đã việt vị, khi anh nhận đường chuyền của đồng đội trong tư thế mà ở phía trước mình chỉ có 1 cầu thủ đối phương đứng trong khung gỗ (thủ môn Phan Santos đã lên tham gia tấn công chưa chạy về kịp), gần với đường biên ngang hơn.
Theo luật việt vị, một cầu thủ không ở vị trí việt vị khi anh ta nhận bóng trong tư thế mà phía trước còn có ít nhất hai cầu thủ đối phương đứng gần biên ngang sân đối phương hơn (hoặc ngang hàng).
Tình huống này tương tự với pha bóng trong trận khai mạc World Cup 2010 giữa Nam Phi – Mexico cách đây hơn 2 năm (trọng tài đã bắt việt vị đúng).
Thực ra, những pha việt vị “đặc biệt” kiểu này chẳng có gì phải bàn cãi nếu người xem không có thói quen luôn mặc định thủ môn là người đứng thấp nhất trong hàng thủ một đội bóng. Và khi thấy 1 cầu thủ (không phải thủ môn) đứng trong khung gỗ thì lập tức chắc mẩm cầu thủ ghi bàn không việt vị (?!).
Không lẽ những HLV, cầu thủ cũng bị mặc định như vậy để rồi cố cãi trọng tài? Cũng may là ở trận đấu, XMXT.Sài Gòn đã thắng, chứ nếu họ đang hòa hoặc thua, thì không biết chuyện gì còn xảy ra với trọng tài Hoàng Anh Tuấn.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị BTC giải, Ban Kỷ luật cần phải có án phạt đủ sức răn đe đối với những phản ứng thái quá từ đội bóng hướng vào trọng tài. Nhưng rồi mọi thứ cứ bị cho qua, và trọng tài vẫn cứ bị phản ứng một cách khá tùy tiện, gánh chịu sức ép không cần thiết”, ông Lâm than thở.
Phía trước, đã đến lúc VFF, VPF cần có những động thái để “bảo vệ trọng tài” mà cụ thể là xử lý mạnh tay với những người đã phản ứng thái quá, thay vì chỉ nhắc nhở qua loa. Ít nhất là để các đội bóng biết phải suy nghĩ thật cẩn thận dựa trên cơ sở hiểu luật trước khi “cãi vua sân cỏ”, thay vì cứ hứng lên là nổi đóa một cách rất… tự nhiên.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.