|
Dù đúng hay sai trọng tài vẫn thường xuyên bị phản ứng. |
Khi “vua sân cỏ” dính đòn
Hỏi bất kỳ trọng tài nào đang làm việc tại V.League cũng đều được khẳng định từng phải nghe những lời lẽ thiếu văn hoá từ phía các cầu thủ. Như một trò đùa của nghiệp cầm còi ở VN, trọng tài có sai sót "dính" đòn đã đành, ngay cả bắt tốt vẫn đổ máu, mang tiếng...
Minh chứng là trường hợp của trọng tài Ngô Quốc Hưng điều khiển cuộc đọ sức giữa M.Nam Định - ĐT.LA trên sân Thiên Trường ở vòng 8. Trận đấu đó, ông Hưng làm tốt nhiệm vụ khi phải xử lý rất nhiều pha vào bóng ác ý, thô bạo của cầu thủ hai đội.
Trọng tài cần có cái tâm
Trao đổi với NTNN chiều 24-8, HLV Nguyễn Thành Vinh (HP.Hà Nội) nói: "Muốn nhận được sự tôn trọng từ các đội bóng, trọng tài trước hết phải hoàn thiện mình. Tôi đặc biệt đề cao cái tâm của các trọng tài, họ phải thật vô tư, chí công vô tư thì mới được. Tiếp đó, họ phải nắm chắc luật, nhạy cảm với các tình huống để xử đúng người đúng tội. Sau mỗi trận đấu, các vị giám sát trọng tài cần rút kinh nghiệm ngay với tổ trọng tài về các tình huống xử phạt, để tránh lặp lại sai sót không đáng có".
Trong một tình huống can ngăn hai nhóm cầu thủ va chạm trên sân, ông Hưng đã bị rách mí mắt, chảy máu. "Văn hoá ứng xử của các đội bóng VN rất kém, cầu thủ, thậm chí ban huấn luyện còn không hiểu thật rõ về luật nên hay có những phản ứng thái quá.
Ở các giải đấu lớn trên thế giới, như World Cup 2010, làm gì có chuyện cầu thủ nhận thẻ xong, lập tức quay ra đe doạ trọng tài. Nhưng ở VN đó là chuyện cơm bữa", trọng tài Quốc Hưng nói.
Không coi "vua sân cỏ" ra gì, ông Phạm Phú Hoà (Giám đốc Điều hành ĐT.LA) còn mạnh miệng xúc phạm tổ trọng tài làm việc tại trận đấu K.Khánh Hoà - ĐT.LA (ĐT.LA thua 1-2) tại vòng 20: "Bọn mày vào lấy phong bì của Khánh Hoà đi", kèm theo lời thách đố: "Tao thách bọn mày làm gì tao" (?!).
Và khi những người lớn như ông Hoà còn không hề có một chút tôn trọng nào đối với trọng tài, thì đừng trách các cầu thủ, trong đó có lớp cầu thủ trẻ thích bật lại "vua".
Tại anh tại ả...
Nhưng nói như thế không có nghĩa là trọng tài vô can, thậm chí phải thừa nhận chính việc "vua sân cỏ" còn mắc khá nhiều sai sót, trong đó có những lỗi ngớ ngẩn đã kéo theo nhiều hệ lụy, kìm hãm sự phát triển của bóng đá VN.
Cách đây hơn 4 tháng, trong buổi ký kết quy chế phối hợp về phòng chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá giữa VFF và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an), Đại tá Hồ Sỹ Tiến - Phó Cục Trưởng C14 nêu rõ quan điểm: Tình trạng bạo lực sân cỏ, mâu thuẫn giữa khán giả với cầu thủ, trọng tài, Ban tổ chức sân tràn lan tại V.League 2010 là những hiện tượng bất thường, và có thể coi đó là một loại tiêu cực.
Trách các CĐV không kiềm chế được cảm xúc chỉ là một chuyện, bởi nếu các trọng tài xử lý chính xác các tình huống trên sân, Ban tổ chức sân làm tốt công tác an ninh không để các chất cháy, nổ, vật lạ "lọt" vào sân thì mọi thứ đã khác...
Cần nhớ, những phản ứng dây chuyền thường thể hiện rất rõ trên sân cỏ. Việc trọng tài thiếu nhạy cảm trong các tình huống quyết định cắt còi hay không cắt còi khi quan sát thấy một cầu thủ bị đau, có thể dẫn tới những pha bóng ác ý, triệt hạ đối phương, nhằm làm gián đoạn tình huống.
Thêm nữa, chuyện trọng tài chính phối hợp thiếu chặt chẽ với các trợ lý, không quyết định dứt khoát trong một tình huống cụ thể, sẽ kéo theo những tình huống phạm lỗi khác theo kiểu "ăn miếng trả miếng". Khi không khí dưới sân "nóng" ngoài tầm kiểm soát của trọng tài, thì chuyện khán đài bị hâm nóng, dẫn tới bạo loạn không có gì lạ.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.