Đổi mới tranh luận nghị trường Quốc hội: Chủ động, linh hoạt để nâng cao uy tín Quốc hội (Bài 2)
Đổi mới tranh luận nghị trường Quốc hội: Chủ động, linh hoạt để nâng cao uy tín Quốc hội (Bài 2)
Nhóm Phóng viên
Thứ bảy, ngày 16/11/2024 16:54 PM (GMT+7)
Các chuyên gia, luật sư nhận định chất lượng tranh luận nghị trường Quốc hội ngày càng được nâng cao, thực sự đã thay đổi từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận, tranh luận”.
Chuẩn bị kỹ toàn diện nội dung chất vấn, tranh luận
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra. Đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước. Theo TS, Nguyễn Văn Tạo – Học viện Hành chính Quốc gia, trong các hoạt động tại nghị trường Quốc hội, tranh luận là một trong những hình thức biểu hiện của sự dân chủ, đồng thời cũng phản ánh chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Qua theo dõi hoạt động Quốc hội, TS Nguyễn Văn Tạo nhận định, hoạt động tranh luận của Quốc hội đã có từ các nhiệm kỳ trước và trong những năm gần đây chất lượng các buổi tranh luận được nâng lên rõ rệt. Một số buổi chất vấn, tranh luận được truyền hình trực tiếp, dưới sự giám sát của cử tri và các cơ quan báo chí nên người chất vấn và trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị kỹ.
"Trong tranh luận, người chất vấn và trả lời chất vấn sẽ trực tiếp cùng nhau trao đổi, hỏi, đáp, tranh luận để làm rõ vấn đề. Qua hoạt động tranh luận thể hiện được trí tuệ, trình độ, bản lĩnh, sự tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội", TS Nguyễn Văn Tạo cho hay.
Một trong những đổi mới dễ nhận thấy đó là các câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tính trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, người trả lời chất vấn cũng có sự chuẩn bị chu đáo, trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm, thể hiện nắm được vấn đề mà mình đang quản lý. Các vấn đề tranh luận hiện nay khá trực diện, đi thẳng vào những vấn đề "nóng" được xã hội và cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, theo TS Tạo vẫn còn một số ít ĐBQH né tránh, "ngại" tranh luận đến cùng vấn đề. Một số người trả lời nhưng chưa có trọng tậm, trong điểm, "vòng vo", thoái thác trách nhiệm.
"Để nâng cao chất lượng hoạt động tranh luận, theo tôi đại biểu Quốc hội cần chủ động trang bị các kỹ năng như cách đặt câu hỏi sao cho rõ ràng, tường minh, ngắn gọn, đầy đủ; kỹ năng giải quyết những tình huống trong lúc tranh luận; kỹ năng thể hiện câu hỏi, câu trả lời thông qua ngữ điệu, cử chỉ, hành vi, thái độ; kỹ năng thể hiện sự tôn trọng nhau, thực hiện văn hóa giao tiếp trong quá trình tranh luận.
Người chất vấn và trả lời chất vấn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, tìm hiếu vấn đề kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện trước khi tranh luận. Sau tranh luận cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thực chất của các cuộc tranh luận. Tôi tin rằng trong thời gian tới chất lượng hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ được nâng nên, trong đó có hoạt động tranh luận trên nghị trường", TS Nguyễn Văn Tạo đề xuất.
Tranh luận đúng, trúng vấn đề
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học Viện tài chính cho rằng: Tranh luận nghị trường Quốc hội, đặc biệt là ở các phiên chất vấn với các Bộ trưởng cho thấy ngày càng có đổi mới và linh hoạt của các ĐBQH. Sự chủ động, linh hoạt của các ĐBQH cũng thể hiện rõ hơn trong nhiệm kỳ này. Cụ thể, trong Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội Khóa XV từ đó nâng tầm và nâng chất lượng cho kỳ họp đạt hiệu quả cao.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc đổi mới trong tranh luận cũng đã có sự đổi mới ở nhiều kỳ họp gần đây của Quốc hội. Các câu hỏi tranh luận và chất vấn của các ĐBQH trên nghị trường trong thời gian vừa qua cho thấy ngày càng đúng, trúng, sát và ngắn gọn hơn. Câu hỏi của các ĐBQH cũng được đi thẳng vào mục tiêu. "Khác với giai đoạn trước đây, có vị ĐBQH cầm giấy đọc, nhưng rồi người được hỏi vẫn chưa rõ nội dung câu hỏi là gì", ông Thịnh nói.
Thêm nữa, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận thấy khi tranh luận ĐBQH đã đưa ra được quan điểm của mình như sau đó lại mạnh dạn đưa ra quan điểm ngược hẳn với chính quan điểm trước đó.
"Theo tôi, do ĐBQH sau khi tranh luận và đào sâu, nghiên cứu đã nhận thức rõ về tranh luận của mình. Các ĐBQH đã thể hiện sự dũng cảm nhìn nhận vấn đề và sẵn sàng thay đổi quan điểm với chính những quan điểm của họ đưa ra trước đó vì lợi ích chung của cử tri và sự phát triển của đất nước", ông Thịnh trao đổi với Dân Việt.
Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Bình - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XII, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng hoạt động tranh luận tại nghị trường quốc hội ngày càng được phát huy và đẩy mạnh, các cái nội dung tranh luận được đưa ra thể hiện quan điểm của ĐBQH, các luận cứ khoa học nhằm làm rõ vấn đề được nêu.
Bà Bình nhớ lại, nếu như Quốc hội khóa XII, XIII tranh luận tại nghị trườngchủ yếu gắn với hoạt động chất vấn. Khi ĐBQH thấy việc giải trình của người bị chất vấn chưa thuyết phục sẽ chất vấn lại.
Còn hiện nay, hoạt động tranh luận diễn ra trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn và cả trong quá trình thảo luận các vấn đề, dự án luật được đưa ra. "Tôi thấy số lượt tranh luận tại các phiên chất vấn tại hội trường cũng như là các phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày càng được tăng cường. Điều đó thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ của các ĐBQH", bà Bình nhận xét.
Để hoạt động tranh luận nghị trường đạt kết quả cao hơn, theo bà Bình, thứ nhất các ĐBQH cần tích cực nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung cần tham luận, tranh luận và tham vấn các ý kiến của chuyên gia để đưa ra những ý kiến tranh luận có chất lượng.
Nếu có thể, tại nghị trường bố trí đường dây nóng để có thể tiếp thu ý kiến của các cử tri một cách chọn lọc, trên cơ sở đó đưa ra tranh luận để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tranh luận nghị trường, góp phần đảm bảo cho các dự án luật, các chính sách ban hành của Quốc hội ngày càng phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Nâng cao uy tín của Quốc hội
Ở góc độ xây dựng pháp luật, ông Đàm Minh Đức – Chuyên viên pháp lý Công ty TNHH An Dân Việt cho rằng với đổi mới trong tranh luận nghị trường có ý nghĩa tích cực khi góp ý, xây dựng các dự thảo luật, chính sách. Các ĐBQH đã thể hiện nguyện vọng của cử tri, không ngại nêu ý kiến trái chiều hoặc đặt câu hỏi thẳng thắn với Bộ, ngành, cơ quan chức năng.
"Đổi mới trong tranh luận của ĐBQH là biểu hiện rõ rệt của sự nâng cao chất lượng hoạt động nghị trường, thể hiện sự dân chủ, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu. Không khí thảo luận tại nghị trường cởi mở hơn, tôn trọng đa dạng ý kiến, tạo cơ hội để mọi đại biểu phát biểu trên tinh thần xây dựng", ông Đức nói.
Phân tích kỹ hơn, ông Đàm Minh Đức cho hay, bản lĩnh đại biểu thể hiện ở việc sẵn sàng đưa ra những vấn đề nóng, phức tạp, yêu cầu giải trình rõ ràng từ cơ quan chức năng liên quan vì lợi ích của cử tri và quốc gia.
Trí tuệ trong tranh luận nghị trường thể hiện ở việc ĐBQH đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có dẫn chứng cụ thể, số liệu đáng tin cậy, phân tích chuyên môn sâu sắc đã góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn.
Trách nhiệm đối với cử tri thể hiện ở vấn đề ĐBQH luôn ý thức về vai trò của mình trong việc đóng góp ý kiến vào các quyết sách quan trọng của quốc gia; thể hiện qua tinh thần làm việc tích cực, phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
"Đổi mới trong tranh luận tại nghị trường nâng cao uy tín của Quốc hội và tạo niềm tin lớn hơn từ phía nhân dân vào cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước. Đây là một xu hướng đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia", ông Đàm Minh Đức nêu.
Còn TS, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng những đổi mới trong hoạt động chất vấn, tranh luận đã góp phần thu hút người dân quan tâm hơn nữa đến các kỳ họp của Quốc hội.
"Quốc hội hoạt động tích cực, hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong các hoạt động, đặc biệt là chất vấn, tranh luận tại nghị trường đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận", ông Cường nói.
Những cuộc tranh luận "nảy lửa", dân chủ tại nghị trường Quốc hội đã thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri được thể hiện thông qua người đại diện họ là ĐBQH. Các vấn đề nóng được tranh luận để làm rõ vấn đề, sáng tỏ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan chức năng đối với các vấn đề quản lý và phát triển xã hội.
Theo ông Cường, hoạt động chất vấn, tranh luận của các đại biểu Quốc Hội ngày càng đi sâu vào chất lượng và thực chất, xử lý những vấn đề còn tồn tại trong xã hội, đưa ra giải pháp cho những vấn đề bất cập nảy sinh.
"Những vấn đề này được đưa ra trước nghị trường, được bàn luận, tranh luận để đi đến những định hướng, những chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển", TS luật Đặng Văn Cường cho biết.
TS luật Đặng Văn Cường đề xuất, để hoạt động chất vấn, tranh luận hiệu quả hơn nữa cần làm tốt công tác chuẩn bị kỳ họp, điều hành mỗi phiên họp khoa học, hợp lý. Còn với các đại biểu còn "kiệm lời", cần cảm nhận không khí đổi mới trên nghị trường Quốc hội để thay đổi, hoàn thiện hơn, phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trước cử tri và Quốc hội.
Đánh giá về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.
Tại Kỳ họp, có 936 lượt ĐBQH đăng ký phát biểu, đã có 750 lượt đại biểu phát biểu. Trong đó, có 708 lượt đại biểu phát biển thảo luận, 42 lượt đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận tại Hội trường; có 2.119 lượt đại biểu phát biển tại phiên thảo luận Tổ.
Đón đọc Kỳ cuối: Ba phút để thực hiện đến cùng trách nhiệm với cử tri
Vui lòng nhập nội dung bình luận.