Đói nghèo & sự bất lương

Thứ sáu, ngày 30/11/2012 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cướp, cướp giật là thông tin thời sự nóng ran trên các mặt báo mấy ngày qua. Tình trạng mại dâm hoạt động không chỉ ở đô thị mà tràn lan khắp các vùng quê cũng liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Bình luận 0

Cùng với cướp giật, mại dâm, trộm cắp là thông tin hàng chục ngàn doanh nghiệp sập tiệm, phá sản, ngừng hoạt động, hàng vạn cơ sở sản xuất ngừng sản xuất vì hàng hóa ứ đọng, hàng vạn doanh nghiệp nợ thuế, nợ lương công nhân.

Có mối liên quan gì giữa các bản tin về tệ nạn xã hội và các bản tin kinh tế? Có, mối liên hệ này rất chặt chẽ.

Chính vì có hàng chục ngàn doanh nghiệp sập tiệm mỗi năm cho nên mới có hàng triệu người mất việc làm. Người mất việc làm túng thiếu, đói khổ dễ dẫn đến kiếm sống bằng trộm cắp, bán thân... Hoàn cảnh cùng cực có thể biến một người lương thiện thành bất lương. Tất nhiên không phải ai nghèo cũng bị sa vào những cám dỗ bất lương, nhưng cái nghèo cũng là một nguyên nhân nảy sinh những tệ nạn như vừa nêu trên.

Nhiều người từ các vùng nông thôn đến các tỉnh công nghiệp làm công nhân với hy vọng đổi đời. Cái ảo mộng đó đã tan vỡ từ lâu, bởi vì hiện thực là nhiều bữa cơm công nghiệp nuốt không trôi, thi thoảng có dòi và đôi lúc ngộ độc. Vậy mà bữa cơm đó cũng không giữ được, doanh nghiệp ngừng sản xuất thì công nhân đi ra đường.

Về quê thì không biết làm gì vì ruộng đất đã bị thu hồi làm dự án, làng nghề cũng ngừng sản xuất vì suy thoái kinh tế. Ở lại đô thị thì phải làm nghề tự do, cuộc sống bất ổn, no đói thất thường. Ai biết được trong số các cô gái đang làm nghề bán dâm khắp nơi đó có bao nhiêu người bước chân ra từ các nhà máy, khu công nghiệp?

Ai biết được trong số tội phạm trộm cắp, cướp giật hiện nay, có bao nhiêu người là công nhân, người lao động bị mất việc, thất nghiệp, gia đình đói khổ. Không ai biện minh cho những hành vi phạm tội hoặc hành động tội ác, nhưng có thể đôi khi dễ dàng cảm thông với những hoàn cảnh, số phận gặp bước đường cùng.

Vì sao hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, lỗi do ai, ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên các nhà quản lý sẽ trả lời ngay: Doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì phải đóng cửa, đó là chuyện bình thường, sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh.

Nhưng doanh nghiệp nghĩ khác, không phải toàn bộ những doanh nghiệp bị phá sản là do năng lực kém, mà phần lớn là họ hoạt động trong một môi trường kinh doanh rủi ro rất cao, chính sách hỗ trợ kém, quản lý điều hành cơ quan nhà nước chất lượng thấp.

Kinh tế khó khăn, người nghèo và thất nghiệp nhiều, thử hỏi làm sao xã hội không lắm tệ nạn? Chỉ tiếc rằng, chưa có ai chịu trách nhiệm trước thực trạng xã hội đầy rẫy tệ nạn như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem