Đối phó loại thiên tai quái ác nhất suốt 500 năm, TQ có giải pháp mới

Vương Nam – Bloomberg Thứ bảy, ngày 15/08/2020 09:55 AM (GMT+7)
Trong khu phố cũ xiêu vẹo sau cơn lũ quét qua Trùng Khánh – thành phố bên dòng Dương Tử nổi tiếng thất thường – bà Liu, chủ một cửa hàng nhỏ đang thu dọn mớ đồ đạc hỗn độn của mình.
Bình luận 0

img

Trung Quốc đã chứng kiến mưa lũ lịch sử trong năm nay (ảnh: Xinhua)

“Ai mua những thứ này không? Giá nào tôi cũng bán”, bà Liu mời chào mỗi khi thấy khách qua đường, đôi tay bám đầy bùn khi nhặt nhạnh những chiếc giầy dép trong cửa hàng.

“Không ai nghĩ trận lũ năm nay lại nghiêm trọng như vậy”, bà Liu than thở.

Suốt hàng thế kỷ, Trung Quốc đã cố gắng đối phó với lũ lụt bằng những con đê, kênh đào và thậm chí là các siêu đập tiêu tốn hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, mùa lũ hàng năm trên các sông lớn vẫn khiến quốc gia tỷ dân thiệt hại hàng tỷ USD và cướp đi nhiều sinh mạng.

Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung Quốc đang lưu trữ hồ sơ, tài liệu về các thiên tai trong vòng 500 năm trở lại đây. Theo đó, lũ lụt là loại thiên tại gây thiệt hại nặng nề nhất cho nước này.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc khiến nhiều người dân làm nhà và xây dựng các công trình ở sát bờ sông, gây mối nguy tiềm tàng trong cơn lũ. Những con đê ngày càng đắp cao, ngày càng nhiều siêu đập được xây dựng ở Trung Quốc nhưng có vẻ chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Vì vậy, Trung Quốc đang thử nghiệm một cách tiếp cận mới: Coi nước lũ là bạn chứ không phải thù.

img

Đập Tam Hiệp không thể trữ toàn bộ nước lũ trên sông Dương Tử, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)

Phía Đông Bắc Trùng Khánh, một số quận đã được thiết kế theo mô hình thành phố bọt biển.

Đây là sáng kiến được đưa ra vào năm 2015, nhận được nhiều khen ngợi từ chuyên gia. Nguyên tắc hàng đầu của thành phố bọt biển là hấp thụ lượng mưa lớn và xả từ từ vào sông, hồ chứa.

Theo các chuyên gia, những thành phố của Trung Quốc ngày nay rất dễ ngập lụt, gây thiệt hại lớn về người và của. Nguyên nhân của tình trạng này là nạn chặt phá rừng ở đầu nguồn, đất bị xói mòn, không thể giữ nước. Mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ thẳng về hạ nguồn, tốc độ dòng chảy mạnh, có thể gây ra vỡ đê, tạo áp lực lớn trong kiểm soát mưa lũ.

“Trung Quốc đã mất gần như toàn bộ vùng đầm ngập nước tự nhiên dọc theo sông Dương Tử. Nước từ thượng nguồn chảy xuống không còn chỗ chứa và đổ thẳng về hạ lưu”, Jennifer Turner – chuyên gia môi trường tại Trung tâm Wilson, Mỹ – nhận xét.

Mỗi khi mùa mưa lũ đến ở Trung Quốc, người ta lại nghĩ ngay tới đập Tam Hiệp – siêu đập lớn nhất hành tinh, chịu trách nhiệm chính trong việc điều tiết lũ sông Dương Tử.

Tuy nhiên, ngay cả các chuyên gia Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định rằng, đập Tam Hiệp có thể trữ nhiều nước, nhưng không phải là toàn bộ nước lũ của sông Dương Tử.

Dựa trên nguyên lý hút nước và ngậm nước của miếng bọt biển, các thành phố của Trung Quốc khuyến khích người dân làm vườn trên mái nhà, xây dựng công viên cạnh bờ sông, làm vỉa hè bằng vật liệu thấm nước và bể chứa ngầm…

Các thành phố bọt biển tiêu chuẩn có thể hấp thụ và tái sử dụng 70% lượng nước mưa.

“Chúng ta nên coi nước như một tài nguyên quý giá, không phải kẻ thù”, Yu Kongjian – giáo sư kiến trúc tại Đại học Bắc Kinh – nói.

img

Thành phố bọt biển phát huy hiệu quả trữ nước khi mưa lớn (ảnh: Bloomberg)

Tính đến ngày 13.8, lũ lụt đã khiến 219 người thiệt mạng ở Trung Quốc, 63,4 triệu người bị ảnh hưởng đời sống, 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế lên tới 25,78 tỷ USD.

Từ năm 1950 đến 2018, hơn 280.000 người chết và 9,6 triệu ha cây trồng đã bị thiệt hại do lũ lụt ở Trung Quốc.

Việc xây dựng các thành phố bọt biển được xem là giải pháp mới và hiệu quả hàng đầu hiện nay tại Trung Quốc khi tốc độ đô thị hóa dường như là không thể kìm hãm. Tuy nhiên, một số người dân ở Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại khi những dự án thành phố bọt biển phá hủy cảnh quan thiên nhiên cũ.

“Các công ty xây dựng đến chặt rừng, san đầm lầy, xây nhà, trồng cây cho có rồi nói rằng họ đã xây xong một thành phố bọt biển. Họ thích xây dựng để có tiền”, ông Zuo – một tài xế ở Trùng Khánh – nói.

Mặc dù vậy, sáng kiến thành phố bọt biển cũng là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực thích nghi với biến đổi khí hậu.

“Tôi rất thích để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Nhưng quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc là không thể đảo ngược”, chuyên gia Yu nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem