Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau"

Nguyên An Thứ ba, ngày 02/01/2024 17:22 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.
Bình luận 0

Trong nông nghiệp, muốn có hiệu quả và tăng giá trị thì phải "bắt tay nhau" để sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ và có sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị

Tại cuộc đối thoại, bà Trần Thị Lanh - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình đã đặt hai câu hỏi tại hội nghị: Thứ nhất là trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn sản xuất lớn, người nông dân bắt buộc phải liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp. Ví dụ như liên kết giữa nông dân và tập đoàn TH. Cụ thể, Tập đoàn TH đưa người nông dân vào chuỗi liên kết sản xuất của mình, tạo sinh kế cho họ thông qua việc trồng ngô cỏ cung cấp cho TH làm nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, đồng thời đào tạo nông dân để trở thành công nhân trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp,...

Có thể khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tập thể rất được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ. Được biết, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Vậy Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển kinh tế HTX trong đề án nói trên?

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Lanh - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình đặt câu hỏi.

Thứ hai, là chuyển đổi số trong nông nghiệp đang cần thiết hơn bao giờ hết, vừa qua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cho ra mắt "App nông dân". Song nhìn chung, việc tiếp cận của người nông dân vẫn còn hạn chế. Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp nhanh hơn?

Trả lời đại biểu Lanh, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng: Thực hiện Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII và thực hiện Chương trình của Chính phủ thì Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia xây dựng kinh tế tập thể. Đây là nhiệm vụ là Hội Nông dân Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm.

Trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu nội dung Hội Nông dân Việt Nam tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" - Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam.

Theo đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung 5 lĩnh vực chính: Vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam đó là tuyên truyền, vận động, động viên, hướng dẫn nông dân tiếp tục tham gia phát triển kinh tế tập thể; bản thân Hội tích cực vận động và các cấp hội phải thực hiện mạnh mẽ tổ chức các tổ hội nghề nghiệp, chuyên môn nghề nghiệp, tức là sắp xếp nông dân cùng ngành vào một tổ hội để tạo dựng nền tảng để xây dựng các tổ hợp tác hợp tác xã; tập trung đào tạo, đặc biệt là nông dân sản xuất giỏi, xuất sắc để họ có đủ năng lực, trình độ để làm chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã cũng như giám đốc hợp tác xã; khi có hợp tác rồi thì tập trung đào tạo kỹ năng quản trị cho họ; tập trung đề xuất Chính phủ hỗ trợ người nông dân về nguồn lực để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện xây dựng các mô hình về nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Về "App nông dân" trên cơ sở chủ trương của Đảng cũng như chương trình hành động của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã có ký kết với VNPT thực hiện quá trình thúc đẩy người nông dân chuyển đổi số.

Ngày 25/12 vừa qua, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã ra mắt "App nông dân" – trong app này có rất nhiều mục tiêu. Đó là các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của Hội về chuyển giao khoa học kỹ thuật, về thông tin thị trường, các hỗ trợ của Nhà nước về vốn, các quy định về vốn, đặc biệt có phần lắng nghe ý kiến của nông dân phản ánh với Đảng, Nhà nước rằng, người nông dân đang cần gì, có nhu cầu gì và phản ánh với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách mà thực hiện ở địa phương có hiệu quả hay vướng mắc như thế nào…

Trả lời bổ sung thêm về việc liên kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi. Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển các hợp tác xã.

Ngoài Trung ương, thì các địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các hợp tác xã với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương… Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các hợp tác xã cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại… Thủ tướng nhắc tới việc đại sứ nhiều nước rất thích các món ăn của Việt Nam.

Về câu hỏi liên quan tới việc giúp nông dân chuyển đổi số, nhất là các hộ nông dân đơn lẻ, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước phải lo về cơ sở hạ tầng số. Thủ tướng cho biết đã giao các doanh nghiệp tiến hành khắc phục các điểm lõm về điện và sóng viễn thông.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính xác với các biện pháp phù hợp như qua các các app để người dân có thể trả lời các câu hỏi như ở đâu trồng lúa tốt, ở đâu nuôi tôm tốt, ở đâu trồng rừng tốt…, từ đó trí thức hóa nông dân. Tinh thần là chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.

Xây thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn

Đến từ điểm cầu Gia Lai, đại biểu Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Hùng Thơm, đặt câu hỏi về giải pháp nào để giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" - Ảnh 3.

Đại biểu Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Hùng Thơm.

Trả lời đại biểu Thơm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết chúng ta vừa xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình. Quan trọng nhất là Bộ vẫn phải nắm bắt được tín hiệu thị trường và nắm bắt được nhu cầu của bà con để thông tin.

"Chúng tôi có kênh thông tin cảnh báo sớm để bà con có thông tin, dự báo trước. Hệ thống có hàng tuần, có web để thông tin rộng hơn cho bà con tiếp cận. Theo xu thế hiện nay, chúng ta phải sản xuất nông nghiệp xanh. Các nước phát triển áp dụng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kép liên quan đến bảo vệ môi trường, như về rừng liên quan đến môi trường nên chúng ta phải lưu ý" - ông Tân nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định việc xây dựng thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. “Trong thị trường thì buôn có bạn, bán có phường. Chúng ta phải kết hợp giữa giá trị văn hóa, truyền thống. Nếu xây dựng thương hiệu lớn thì phải có các doanh nghiệp lớn..." - ông Tân nói.

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" - Ảnh 4.

Toàn cảnh sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra hai vấn đề cần phải thực hiện ngay. Đầu tiên là phổ cập kiến thức cho nông dân bằng các hình thức như hướng dẫn vào các khung giờ vàng trên đài truyền hình, để bà con quan tâm theo dõi thuận lợi, tiếp thu các kiến thức hiệu quả cao nhất. Đồng thời phổ biến, phát hành sách cho nông dân về khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới.

Để có thị trường bền vững, Thủ tướng khẳng định Nhà nước phải tìm kiếm, kết nối thị trường và ký kết các hiệp định, kết nối của người dân, hiệp hội với đại sứ quán... Song song đó, người dân phải giữ và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, có sản phẩm chất lượng cao để giữ được thị trường.

Thủ tướng sau đó đã dẫn chứng câu chuyện về trái sầu riêng của Việt Nam đang phát triển tốt, xuất khẩu nhiều nhưng khi mình chủ quan đưa sản phẩm kém vào thì sẽ làm ách tắc ngay, gây nguy hiểm cho thị trường của mình, mất uy tín với bạn hàng, thị trường xuất khẩu.

Ví dụ điển hình về việc liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị của nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp

Mới đây, Dự án sữa TH true MILK giành giải thưởng "Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize". Với thành công của dự án này, TH đã góp phần tập hợp, liên kết nông dân, các doanh nghiệp cùng ngành nghề đầu tư nghiêm túc vào chăn nuôi bò sữa để tạo ra dòng sữa tươi thật, tạo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam, xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, dự án của TH đã tạo việc làm trực tiếp cho hàng chục nghìn lao động; đào đào tạo hàng nghìn nông dân địa phương thành những công nhân lành nghề trong các trang trại, nhà máy TH và không chỉ ở Nghệ An mà còn tại các dự án khác của TH trên cả nước. Từ các nông dân được đào tạo thành các công nhân lành nghề và các kỹ sư thành các chuyên gia, TH đưa họ trở thành nhân sự hạt nhân mang lại thành công cho các dự án TH tại các tỉnh và cả ở nước ngoài như Liên bang Nga, Australia. Từ đó, góp phần tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế xã hội.

Việc đồng hành với nông dân còn sâu sắc hơn nữa thông qua việc hợp tác với họ trong các hợp tác xã công nghệ cao để chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, làm dược liệu và tạo các vùng sinh kế cho nông dân làm kinh tế dưới tán rừng.

Thông qua dự án này, TH đã làm thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Dự án ra đời khi nền chăn nuôi Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, TH đã đưa những thành tựu khoa học 4.0 vào chăn nuôi bò sữa, phát triển nông nghiệp sạch, thay đổi căn bản phương thức sản xuất của ngành sữa Việt, tiến thẳng lên làm nông nghiệp quy mô lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và bảo vệ môi trường ở tất cả các trang trại TH.

Tập đoàn TH đồng hành cùng hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân" năm 2023

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem