Nam (bên phải) từ vị trí người cho vay thành người phạm tội vì nôn nóng giải quyết nợ nần.
Nóng vội đòi nợ dễ dính vòng lao lý
Hôm qua (7.6), Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố Nguyễn Phương Nam (25 tuổi) và Trần Nhựt Nhân (38 tuổi, cùng trú ở TP Hồ Chí Minh) về tội “Cướp tài sản”.
Theo điều tra, cuối năm 2015, anh Phương (27 tuổi, ở Quảng Ngãi) có nợ Nam hơn 100 triệu đồng, nhưng sau đó anh Phương bỏ ra Hà Nội làm thuê cho một cửa hàng máy tính.
Cuối tháng 5.2016, Nam cùng Nhân (là anh họ vợ) ra Hà Nội tìm anh Phương giải quyết nợ nần. Thấy anh Phương đi ăn về, Nam và Nhân gí “con nợ” vào tường rồi giật lấy diện thoại và ví tiền bên trong có 3 triệu đồng. Ngoài ra, Nam và Nhân còn lấy tài sản của cửa hàng anh Phương làm thuê.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, trường hợp chủ nợ vi phạm luật khi đi giải quyết nợ nần như Nguyễn Phương Nam hiện nay khá phổ biến.
Luật sư Kiên cho rằng, nếu nôn nóng khi đòi nợ, các chủ nợ có thể mắc hàng loạt tội danh nghiêm trọng như “Cưỡng đoạt tài sản”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “cướp tài sản".
“Tôi lấy ví dụ xảy ra từ thực tế, chủ nợ đưa con nợ về nhà mình hoặc “giam lỏng” ở một địa điểm nào đó để lấy tài sản, thúc ép trả nợ thì chủ nợ có thể bị xử lý về hành vi “Bắt giữ trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”.
Còn hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa, khống chế tài sản con nợ ngay tức khắc có thể khiến chủ nợ bị xử lý về hành vi “Cướp tài sản””, luật sư Kiên phân tích.
Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, công an quận từng thụ lý điều tra nhiều vụ án chủ nợ trở phạm tội khi đi đòi nợ.
“Nhiều người nhận thức rất đơn giản, ra đường gặp người nợ tiền mình thế là nhảy vào đánh người ta lấy xe máy để trừ nợ. Họ không nhận thức được, hành động như vậy là “cướp tài sản”. Đến khi bị bắt thì mới hối hận vì hành động bồng bột.
Những vụ án như trên khiến cán bộ điều tra chúng tôi day dứt bởi nhiều người phạm tội chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.”, Trưởng Công an huyện Gia Lâm nói.
Nhiều đường đòi nợ hợp pháp
Đại tá An Thanh Bình cho biết: Vay nợ là quan hệ dân sự vì vậy nếu bên vay chây ì không trả nợ đúng hạn thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án dân sự giải quyết.
Người cho vay cũng có thể tố cáo ra cơ quan điều tra nếu nhận thấy người vay có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý.
“Người cho vay không nên manh động khi giải quyết việc vay nợ mà nên nhờ cơ quan chức năng giải quyết”, đại tá Bình khuyến cáo.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) cho biết: Chủ nợ khi khởi kiện bên vay ra Tòa án dân sự cần phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ liên quan đến quan hệ giao dịch vay nhận tiền giữa hai bên như hợp đồng vay tiền, giấy biên nhận hoặc giấy ghi nợ…
Nếu không có những tài liệu trên, bên cho vay có thể xuất trình cho Tòa án các chứng cứ như hình ảnh, bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, tin nhắn, email thể hiện thỏa thuận nội dung vay tiền, người làm chứng giao dịch vay tiền…
Trường hợp Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng bên vay chây ì không trả tiền thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản của người vay tiền để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ....
Trong trường hợp, người đi vay có dấu hiệu của hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản thì người cho vay có quyền tố cáo đến cơ quan công an để được giải quyết.
Nếu cơ quan điều tra xác định người đi vay có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.Lúc này, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra yêu cầu người đã chiếm đoạt tiền của mình phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.