Đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ có thể bị xử lý thế nào?

Việt Sáng Thứ tư, ngày 01/12/2021 08:45 AM (GMT+7)
Theo luật sư phân tích, do các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng internet để đánh bạc nghìn tỷ đồng dựa trên hình thức đặt cược lô đề nên hình phạt có thể ở khung từ 3 -7 năm tù, cao nhất là 10 năm tù.
Bình luận 0

 Cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị xử lý thế nào? 

Trước đó, ngày 30/11 thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự 20 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, 26.400 USD, 50 điện thoại, nhiều máy tính bàn, laptop là tang vật liên quan.

Phân tích pháp lý liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng triệt phá đường dây đánh bạc nghìn tỷ, Ts. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, điều kiện để các đối tượng tham gia đánh bạc trên mạng diễn ra dễ dàng. 

"Việc sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet phổ biến như hiện nay tạo điều kiện để hành vi tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trái phép trên mạng internet quy mô lớn, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tang vật liên quan vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Nguồn: TP.

Nhiều khả năng, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015", ông Cường nói.

Theo vị luật sư, về tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đối tượng cầm đầu có thể chịu hình phạt cao nhất đến 10 năm tù. Còn đối với đối tượng tham gia đánh bạc thì mức hình phạt cao nhất có thể đến 7 năm tù.

Điều 321, tội đánh bạc:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Điều 322, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên; d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc hành vi quy định tại điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Quy định của pháp luật thì đánh bạc trái phép là hành vi thỏa thuận, cá cược, ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật. Với hành vi đánh bạc trái phép từ 5 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi đánh bạc qua mạng internet và đánh bạc "truyền thống" trong đời sống thực tế đều bị xử lý như nhau về tội tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc.

Với các đối tượng đã kêu gọi, đứng ra tạo các điều kiện vật chất thuận lợi để những người khác tham gia đánh bạc, tổ chức cho người khác đánh bạc thì sẽ bị xử lý hình sự theo điều 322 Bộ luật hình sự 2015 với chế tài là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Ts. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp (Đoàn LS TP Hà Nội) phân tích pháp lý xung quanh vụ đánh bạc nghìn tỷ.

Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông để phạm tội hoặc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì sẽ có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm tù", vị luật sư cho hay.

Theo ông Cường, trong vụ án này, các đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng internet với số lượng đặc biệt lớn như vậy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc và có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

"Điều 322 Bộ luật hình sự còn quy định người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước.

"Đối với các đối tượng tham gia đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Trong trường hợp này các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng internet để phạm tội nên hình phạt sẽ ở trong khung từ 3-7 năm tù", vị luật sư phân tích.

Đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng ở Sóc Trăng

Trước đó, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đường dây đánh bạc này hoạt động khoảng nửa năm, trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Khi dịch bùng phát mạnh, các nghi can ngưng hoạt động vì những công ty xổ số kiến thiết phía Nam tạm dừng mở thưởng.

Theo cơ quan công an, cuối tháng 10, các công ty xổ số kiến thiết mở thưởng trở lại cũng là lúc đường dây đánh bạc hoạt động tiếp. Dữ liệu được cơ quan điều tra khôi phục cho thấy các nghi can đã giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng.

Chiều 26/11, Công an Sóc Trăng quyết định phá chuyên án "1021C". Hai mũi trinh sát cùng lúc ập vào nhà hai "mắt xích" chính trong đường dây là Nguyễn Quốc Thái (32 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) và Từ Phi Hải (34 tuổi, ở phường 3, TP Sóc Trăng).

Lực lượng chức năng phát hiện Hải và Thái có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc với hình thức sử dụng phương tiện kỹ thuật có kết nối Internet để tiếp nhận thông tin đặt cược số lô, số đề (dựa trên kết quả xổ số kiến thiết các đài trên toàn quốc) từ các đối tượng khác, sau đó tổng hợp để chuyển đến nhà cái cấp trên tại TP Cần Thơ, TP HCM hoặc giữ lại một phần (tự làm thầu).

Từ lời khai của Hải và Thái, trong đêm 26 đến rạng sáng 27/11, cảnh sát khám xét hơn 10 địa điểm và bắt thêm 18 nghi can. Trong đó, người chủ mưu và cầm đầu tại Sóc Trăng được công an xác định là Nguyễn Thanh Nhàn (41 tuổi, ngụ đường số 8, khu đô thị 5A).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem