Đối tượng "đi bão" tông gãy chân cảnh sát, có thể bị xử lý thế nào?
Đối tượng "đi bão" tông gãy chân cảnh sát, có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung- Phi Long
Thứ hai, ngày 06/01/2025 19:14 PM (GMT+7)
Hồ Xuân Sinh bị cáo buộc, trong lúc đi bão mừng Việt Nam chiến thắng Thái Lan đã "thông chốt", tông gãy chân một cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Theo cơ quan chức năng, tối 2/1, sau trận chung kết lượt đi giữa đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với Thái Lan, tổ công tác Y18A-141H làm nhiệm vụ tại ngã tư Quang Trung - Phùng Hưng, phường Văn Quán, Hà Đông, phát hiện Hồ Xuân Sinh điều khiển xe máy Exciter không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách.
Khi bị yêu cầu dừng xe, Sinh cố tình vượt đèn đỏ, tông trúng Trung tá Lê Hoàng Anh (cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Hà Đông, thành viên tổ công tác) rồi bỏ chạy.
Hậu quả, Trung tá Hoàng Anh gãy xương chày và phải điều trị tại bệnh viện. Tại cơ quan công an, Sinh thừa nhận hành vi của mình. Ngoài ra, người này cũng không có giấy phép lái xe.
Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông cho biết, trong thời điểm diễn ra trận chung kết lượt về bóng đá nam giữa đội tuyển Việt Nam - Thái Lan, lực lượng 141H Công an quận và 100% cán bộ chiến sĩ công an các phường đã nhận lệnh, triển khai kế hoạch cắm chốt tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý, ngăn chặn từ sớm, từ xa mọi biểu hiện, đối tượng gây rối, tụ tập, lạng lách đánh võng.
Quy định về tội chống người thi hành công vụ
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Việt Nam luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để thể dục thể thao phát triển, đặc biệt là chăm lo cho các cầu thủ đội tuyển quốc gia.
Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức cá nhân cùng chung tay phát triển bóng đá, tạo điều kiện để người dân có cơ hội giải trí bởi các hoạt động thể thao lành mạnh.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định nghiêm cấm lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng, xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và có dấu hiệu tội phạm nên việc cơ quan điều tra có căn cứ để tạm giữ hình sự, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành đèn tín hiệu, chấp hành yêu cầu, hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông.
Với những trường hợp vi phạm giao thông hoặc có dấu hiệu vi phạm giao thông mà lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì phải chấp hành.
Trường hợp nào cố ý không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông gây cản trở thực hiện thi hành công vụ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc nêu trên, đối tượng đã không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện, không dừng xe mà lại đâm vào cán bộ cảnh sát dẫn đến thương tích nghiêm trọng (gãy chân), đây là hành vi chống người thi hành công vụ nên người này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự.
Điều 330 Bộ luật hình sự quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người dân phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức như; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài ra, người vi phạm phải có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân, bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.