"Làm đầu bếp Bữa Cơm Yêu Thương, trái tim tôi được sưởi ấm!"
"Làm đầu bếp ở Bữa Cơm Yêu Thương, trái tim tôi được sưởi ấm!"
Đức Minh - Trọng Tuấn
Thứ ba, ngày 07/01/2025 06:08 AM (GMT+7)
Một mình từ quê nhà Thanh Hóa lên Hà Nội lập nghiệp được gần chục năm, ở tuổi 30, chàng đầu bếp Lê Vạn Công đã đối mặt với nhiều khó khăn, có lúc tưởng như không thể gượng dậy nổi. Những nụ cười, sự gắn kết của "đại gia đình” Phiên Chợ Trái Tim đã giúp Công mạnh mẽ hơn, làm lại từ đầu...
Trên hành trình sẻ chia của “Bữa Cơm Yêu Thương” có những đầu bếp lặng lẽ, miệt mài, dồn hết tâm huyết vào từng món ăn với mong muốn mang tới những suất cơm ngon, đậm đà hương vị tình thân tặng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương và những lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn.
Trong gian bếp ấm cúng của Phiên Chợ Trái Tim, Công âm thầm chăm chút cho từng món ăn bằng cả trái tim ấm nóng.
Với tính cách có phần trầm, những ngày đầu tiên đến với Phiên Chợ Trái Tim, anh Công dường như chỉ hoàn thành hỗ trợ công việc nấu ăn rồi ra về. Qua mỗi chương trình, anh lại thấy gần gũi hơn với mọi người thông qua từng lời hỏi thăm, từng câu chuyện bình dị.
“Khi tới với "Bữa Cơm Yêu Thương", cũng phải mất một thời gian tôi mới có thể làm quen dần với mọi người. Bắt đầu từ những bạn đứng bếp cùng, tiếp đến là các thành viên trong nhóm Nhịp Cầu Nhân Ái - Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, sau đó là các cộng tác viên khác… Mọi người ở đây xem nhau như anh em trong nhà, cảm giác như một đại gia đình vậy" - anh Lê Vạn Công (30 tuổi, nhà ở thôn 5, xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ với Dân Việt trong ngày cuối năm.
Ngày 4/1/2025, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, Nha khoa Sài Gòn H.N, Công ty TNHH DVTM Vận tải & Xây dựng Minh Phương, Phiên Chợ Trái Tim phối hợp tổ chức bước sang tuần thứ 89.
Anh Công kể lại, từ ngày ở quê đã thích nấu ăn, đi theo các anh, các chú bác lớn tuổi trong thôn đi làm cỗ. Chính những ngày tháng đó đã gieo vào lòng chàng trai trẻ niềm đam mê với ẩm thực. Được tự tay chế biến những món ăn ngon chính là niềm hạnh phúc của anh Công.
“Năm 2015, tôi lên Hà Nội đi làm đầu bếp. Sau khoảng 5-6 năm cũng tích lũy được vài trăm triệu và quyết định mở quán ăn đúng vào mùa dịch. Thuê mặt bằng mất 15 triệu đồng cộng với nhân công, điện nước, một tháng cũng mất 30-40 triệu đồng, nhưng không kiếm ra bù lại được. Sau gần 1 năm gắng gượng, năm 2021, tôi không trụ nổi, vốn liếng mất hết.
May mắn ngày đó có một số bạn bè giúp đỡ nên tôi có thể tiếp tục trụ lại ở Hà Nội và có công việc mới. Nhờ một chị chủ quán cũ đưa tôi tới "Bữa Cơm Yêu Thương" vào tháng 5 năm nay nên tôi có duyên gặp gỡ mọi người, những tấm lòng nhân ái cùng chung suy nghĩ muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống".
Dù rất bận rộn với công việc tại nhà hàng nhưng trong suốt nửa năm là đầu bếp của "Bữa Cơm Yêu Thương", Công chỉ vắng mặt 4 lần.
Anh Công nhớ, có những ngày mùa hè vào bếp, người ướt sũng mồ hôi như tắm, một buổi thay tới 2 cái áo nhưng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc. Cũng từng trải qua những ngày tháng khó khăn trước đây, anh Công thấu hiểu nỗi vất vả mà mỗi bệnh nhân, người thân đang mang theo khi đối mặt với bạo bệnh.
“Khi đi qua cơn bĩ cực của đời mình, tôi cũng muốn làm điều tương tự với những người khác, giúp họ có thêm niềm tin, vươn lên trong cuộc sống. Đó là điều tuyệt vời nhất!" - anh Công bộc bạch.
Trời giá rét, ngủ 2-3 giờ/ngày vẫn không quên "Bữa Cơm Yêu Thương"
Làm đầu bếp ở nhà hàng trên phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nên Công không có ngày nghỉ. Ca chính của Công là làm việc từ 10 giờ sáng tới 14 giờ chiều, sau đó tiếp tục làm từ 18 giờ đến 22 giờ, đủ 8 tiếng/ngày.
"Ca chính thì như vậy nhưng đôi lúc chúng tôi đổi ca cho nhau hoặc nhà hàng có khách đặt hàng trăm mâm cỗ phải làm tăng ca cho kịp. Có hôm 2 giờ sáng tôi mới về tới nhà, trời lạnh, đặt chuông báo thức dậy lúc 5 giờ nhưng chỉ muốn tắt chuông đi để trùm chăn ngủ tiếp vì mệt.
Nhưng cứ nghĩ tới việc mọi người đang chờ mình tới. Nếu mình nghỉ, công việc của người khác sẽ nặng hơn nhiều nên tôi lại dậy để đến với "Bữa Cơm Yêu Thương".
Đến với Phiên Chợ Trái Tim, bao nhiêu mệt mỏi, cảm giác buồn ngủ trong anh Công đều tan biến khi nhìn thấy các em, anh chị, cô chú, có những người đã về hưu nhưng luôn tràn đầy năng lượng khi cùng nhau bưng bê bàn ghế, nhặt rau, thái rau... Một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng tới từ sớm, không chỉ để xếp hàng mà còn muốn hít thở bầu không khí, những cuộc trò chuyện, chia sẻ thân thiết bên ngoài không gian bệnh viện.
Lê Vạn Công gần như tham gia vào mọi công đoạn làm bếp tại Bữa Cơm Yêu Thương. Ảnh: Trọng Tuấn
Có hôm 2 giờ sáng tôi mới về tới nhà, trời lạnh, đặt chuông báo thức dậy lúc 5 giờ nhưng chỉ muốn tắt chuông đi để trùm chăn ngủ tiếp vì mệt. Nhưng cứ nghĩ tới việc mọi người đang chờ mình tới. Nếu mình nghỉ, công việc của người khác sẽ nặng hơn nhiều lên tôi lại vùng dậy để đến với "Bữa Cơm Yêu Thương
Lê Vạn Công - Đầu bếp Bữa Cơm Yêu Thương
Nhiệt tình với công việc là luôn hỗ trợ các "đồng đội" của mình, vậy nên tại "Bữa Cơm Yêu Thương" số 87 vừa qua, dù rất bận phải làm cỗ ở nhà hàng nhưng khi biết Phiên Chợ Trái Tim thiếu người do nhiều thành viên tổ chức chương trình "Đông Ấm Vùng Cao" và "Phiên Chợ 0 đồng" tại Lào Cai, Công lại xin nhà hàng cho tới muộn hơn 1 tiếng:
"Hôm đó, tôi cố gắng làm xong hết các món ăn, chỉ còn thiếu mỗi việc xào bắp cải là phần việc phải hoàn tất. 9 giờ tôi mới rời khỏi bếp "Bữa Cơm Yêu Thương" để di chuyển tới nhà hàng.
Anh em ở nhà hàng cũng hiểu ý nghĩa việc tôi đang làm nên vui vẻ hỗ trợ nên mọi việc cũng suôn sẻ", Công cho biết.
Những ngày cuối năm, chàng đầu bếp trẻ lại càng thêm bận bịu với lịch trình công việc dày đặc. Anh Công cho biết bản thân mình vẫn sẽ cố gắng hết sức để có thể sắp xếp thời gian, dành buổi sáng thứ 7 để đến sẻ chia yêu thương thông qua từng suất cơm nghĩa tình. Anh cũng chia sẻ mong muốn sẽ có thêm nhiều người bạn biết đến và chung tay với “Bữa Cơm Yêu Thương”.
Khép lại câu chuyện ngày cuối năm cùng Dân Việt, Công hy vọng có thể góp một phần "mở cánh cửa" năm mới bình an cho những con người thiếu may mắn trong cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.