Công an khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn
Ngày 14/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả này do Ngô Kim Diệu (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm, trụ sở tại Q.Bình Tân) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, vợ Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, trụ sở tại Q.8) cầm đầu.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (Công an TP. Hồ Chí Minh) phát hiện đường dây nghi vấn hoạt động "sản xuất, buôn bán hàng giả" là thuốc Đông y kết hợp tân dược, điều trị nhiều loại bệnh do Ngô Kim Diệu (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kingpharm, trụ sở tại số 6 đường 2B, phường An Lạc, quận Bình Tân) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hương (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kiến Lâm, trụ sở tại số 3 đường số 26, Phường 16, Quận 8) cầm đầu.
Hai vợ chồng này sử dụng các pháp nhân doanh nghiệp để che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc Đông y kết hợp tân dược các loại (dạng viên nhộng). Các đối tượng tách biệt từ khâu sản xuất viên nhộng, ép vỉ cho đến đóng gói, chứa nguyên liệu, thành phẩm tại các địa điểm khác nhau nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Kết quả khám xét, cơ quan công an đã thu giữ hơn 1.150 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có hơn 56.250 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm); 1.600 kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, bóng viên nang, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì chứa thuốc…
Trên vỏ hộp các sản phẩm thuốc giả hầu hết ghi công dụng trị xương khớp, trĩ, ngứa… mang 33 thương hiệu khác nhau như: "Xương khớp khắc tinh", " Xạ hương linh chi đơn", "Tọa cốt thần kinh thống"… do doanh nghiệp ở nước ngoài sản xuất...
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Ngô Kim Diệu và vợ bắt đầu sản xuất thuốc giả từ năm 2018, bằng thủ đoạn mua nguyên liệu thuốc Đông y và hoạt chất tân dược có cùng công dụng chữa một số bệnh cụ thể về trộn lẫn nghiền thành bột, rồi sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, dán gói, đóng lọ, đóng gói thành phẩm thuốc giả.
Công an TP.HCM khởi tố 22 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả. Ảnh: CACC.
Hai đối tượng sử dụng 16 nhân viên là họ hàng, người thân để khép kín quy trình sản xuất thuốc giả, quản lý kho nguyên liệu, thành phẩm nhằm tránh bị phát hiện; thuê đối tượng Nguyễn Thị Như Ý và chồng là Ngô Quí Dương (ngụ Quận 12) sản xuất bao bì, tem nhãn giả.
Sau khi đóng gói thành phẩm, vợ chồng Kim Diệu thông qua các đối tượng Đỗ Thành Mỹ (sinh năm 1981, ngụ ở Quận 12), Đỗ Thanh Hải (sinh năm 1973, ngụ ở huyện Bình Chánh), Nguyễn Mộng Điền (sinh năm 1988; ngụ ở huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cùng các đối tượng khác đưa hàng giả ra thị trường tiêu thụ.
Riêng năm 2024, vợ chồng Kim Diệu và Thu Hương đã sản xuất số thuốc giả trị giá hơn 45 tỷ đồng. Còn 3 đối tượng Đỗ Thành Mỹ, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Mộng Điền tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỷ đồng.
Cơ quan công an cũng phát hiện có sự sơ hở, dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu, kinh doanh các hoạt chất tân dược; chưa quản lý, bán hoạt chất tân dược chưa đúng đối tượng, chưa đúng yêu cầu, mục đích khi đăng ký nhập khẩu, tạo sơ hở để Kim Diệu và đồng bọn thu mua các nguyên liệu hoạt chất tân dược.
Cá biệt có các hoạt chất tân dược được nhập khẩu, phân phối phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng được bán trôi nổi ra thị trường, cũng được Kim Diệu mua sản xuất thuốc uống cho người (thuốc giả)...Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng liên quan.
Quy định của pháp luật về tội buôn bán hàng giả
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, Điều 2 Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không có dược chất, dược liệu; Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 194, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới;
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng..."
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội quy định sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.