Đội tuyển Việt Nam làm quen “súng hai nòng”

Thứ tư, ngày 29/06/2011 06:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong trận đấu với Macau lúc 19 giờ 15 tối nay (29.6), trên SVĐ Thống Nhất, TPHCM, các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực hết mình để làm quen với sơ đồ chiến thuật “cũ mà mới” 4-4-2.
Bình luận 0

Bài học sau 4 năm

Dưới thời HLV A.Riedl và các ông thầy ngoại trước đó, tuyển VN đã quen với “khẩu súng hai nòng”. Nhưng với HLV Calisto, mọi thứ gần như hoàn toàn thay đổi. Đã có những rào cản lớn xuất hiện, nhưng cuối cùng, ông thầy người Bồ vẫn kiên quyết đi theo “con đường” riêng.

Thực tế, không thể phủ nhận tính ưu việt, hiện đại trong cách chơi chỉ có 1 tiền đạo cắm. Nhưng với bóng đá VN, có lẽ nó chưa phù hợp. Bằng chứng là tại vòng bảng AFF Cup 2008, VN đã chơi rất lúng túng, trước khi “vào phom” ở bán kết, chung kết.

img
HLV Goetz đang truyền đạt đấu pháp cho học trò.

Đến SEA Games 2009, khi U23 không đào đâu ra một trung phong cắm đích thực kiểu như Việt Thắng, thì HLV Calisto vẫn cố “ép” Thanh Bình vào vai trò đó và thất bại. Đến bán kết AFF Cup 2010, khi Việt Thắng bị chấn thương không thể đá trận lượt đi trên đất Malaysia, ông Calisto lại “nắn” Anh Đức chơi mũi nhọn, và lại thua.

Có thể coi việc mặc định sơ đồ 1 tiền đạo là một trong những hạn chế “chết người” của HLV Calisto. Đó là chưa kể đến người được lựa chọn ở vị trí mũi nhọn thường có cảm giác “độc quyền”, thiếu động lực phấn đấu vì thiếu “đối thủ” cạnh tranh.

Không quá khi cho rằng bóng đá VN đã sai lầm khi “phủ sạch” sơ đồ 2 tiền đạo gắn với những tấm HCB SEA Games, Tiger Cup, mà đỉnh cao là lọt tới tứ kết Asian Cup 2007 mang tên HLV A.Riedl. Ở góc độ đó, HLV Goetz đã đúng khi đang cùng các học trò xây dựng sự biến hoá, đa dạng trong lối chơi.

Tấm gương Malaysia

Trao đổi với Dân Việt sáng 28.6, HLV Nguyễn Thành Vinh (HP.Hà Nội) nhận định: “Phải phân biệt rõ sơ đồ đội hình với chiến thuật thi đấu. Mỗi đội bóng luôn cần sự ổn định, nhưng không có nghĩa “đóng khung” lối chơi. Trước mỗi đối thủ, cần có một đấu pháp khác nhau. Tôi nghĩ, HLV Goetz lựa chọn sơ đồ 2 tiền đạo là hợp lý trước một đối thủ yếu hơn như Macau. Sơ đồ đó sẽ giúp tuyển Việt Nam giàu sức tấn công hơn”.

Ở góc độ nhất định, tuyển VN cần học hỏi Malaysia. Tại AFF Cup 2008, Malaysia đã chơi 4-4-2 và bị thua đau Việt Nam trong trận “sinh tử” ở vòng bảng. Nhưng thời gian sau đó, từ SEA Games 2009 đến AFF Cup 2010, họ vẫn kiên định lối chơi ấy, và liên tiếp gặt hái thành công. Vì sao?

Trong đội hình U23 và ĐTQG Malaysia có bộ ba tấn công “huỷ diệt”: Tiền vệ Safiq-cặp tiền đạo Safee-Talaha. Và tấn công cũng là cách tốt nhất để che đi những “lỗ hổng” không thể lấp đầy nơi hàng thủ của họ.

Đội hình dự kiến của tuyển Việt Nam gồm: Thủ môn Tấn Trường, hậu vệ Quang Thanh-Long Giang-Anh Tuấn-Việt Cường, tiền vệ Văn Quyết-Trọng Hoàng-Tài Em-Thành Lương, tiền đạo Quang Hải - Công Vinh.

Và không có gì ngạc nhiên nếu thời gian tới, các tuyển thủ VN sẽ phải mệt nhoài với những bài tập nhằm cải thiện nền tảng thể lực của HLV Goetz. Chỉ có thể lực tốt mới đáp ứng được lối chơi dựa trên tốc độ, sự di chuyển liên tục.

Phía trước tuyển Việt Nam là bài kiểm tra đầu tiên khi đọ sức với Macau-đối thủ đã thua Campuchia 1-3. Các học trò của HLV Leung Sui Wing thậm chí từng thúc thủ 0-5 trước Philippines năm 2010.

Và đương nhiên, những điểm sáng gốc Bồ Đào Nha trong đội hình Macau: Cheung Geofredo, ChengPaulo, Nicolas Tarrao, cũng không có gì quá “khủng”. Xem ra, việc khó nhất với các tuyển thủ VN là phải thể hiện xem mình đã thay đổi, hoà hợp tốt như thế nào giữa hai phong cách Calisto-Goetz trong 90 phút đọ sức với Macau mà thôi.

Không có gì tốt hơn khi thử nghiệm đội hình mới trước đối thủ “nhẹ cân” như Macau!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem