Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 7/2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 do giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển tăng mạnh; cùng với đó các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc.
Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ giảm tốc, doanh nghiệp gặp khó
Trước đà giảm sút của thị trường Mỹ, mới đây, nhóm nghiên cứu của các hiệp hội ngành gỗ (VIFOREST, FPA Bình Định, BIFA, HAWA, DOWA) và Forest Trends đã thực hiện cuộc khảo sát với 52 doanh nghiệp về những tác động của tình hình lạm phát trên thế giới tới hoạt động xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp.
Trong số 52 doanh nghiệp thực hiện khảo sát có 45 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chiếm 87%; 39 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, chiếm 75%.
Trong số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát có tới hơn 80% doanh nghiệp dự báo mức doanh thu năm 2022 của họ sẽ sụt giảm so với năm 2021. Cụ thể, 19 doanh nghiệp dự báo có mức doanh thu giảm dưới 30%.
Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho của đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn (khoảng 60%) tăng so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, trong số 52 doanh nghiệp này có tới 31 doanh nghiệp phản ánh lượng hàng tồn kho tăng với mức trung bình trên 42%.
Trên 90% số doanh nghiệp được hỏi cho biết số lượng đơn hàng của họ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trung bình ở mức 44,4%. Tại thị trường Mỹ, số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp được khảo sát giảm trung bình 45,4%, thậm chí một số doanh nghiệp không còn đơn hàng.
Trước tình hình biến động mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều sức ép, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, chi trả người lao động và nguyên liệu đầu vào.
Đa số các doanh nghiệp (hơn 70%) lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí. Một số biện pháp cụ thể được áp dụng gồm có nghỉ ngày thứ bảy, không tăng ca, chỉ tổ chức sản xuất 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, sắp xếp sản xuất tinh gọn để giảm chi phí sản xuất.
"Trong số 52 doanh nghiệp được hỏi, hơn 60% cho biết chỉ có khả năng cầm cự được tối đa 6 tháng. Ngược lại, chỉ có gần 1/4 số doanh nghiệp tham gia khảo sát có khả năng tiếp tục duy trì sản xuất trên 12 tháng", báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết.
Từ khó khăn này, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng cho phép giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Đối với các chính sách thuế, phí, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho phép giảm, chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăn nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp và giảm chi phí xuất nhập khẩu container cảng biển.
Doanh nghiệp ngành gỗ cũng kiến nghị các hiệp hội gỗ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường thông quá các nghiên cứu, đánh giá, hội thảo, báo cáo; tích cực kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.