Công trình cũ đã “lỗi thời”
Theo ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi ở vùng TGLX đã được đầu tư, góp phần to lớn vào việc đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, việc kiểm soát lũ, hạn mặn được chủ động.
Tuy nhiên, hiện nay, một số công trình đã hư hỏng hoặc không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu. Cụ thể, đập cao su Trà Sư và Tha La ở An Giang sau hơn 15 năm vận hành điều tiết lũ đã xuất hiện nhiều vết nứt, không đảm bảo công tác vận hành. Hiện nhà sản xuất cũng không còn sản xuất đập cao su để thay thế.
Hệ thống cống đập không hoàn chỉnh khiến vụ lúa thu đông của người dân thị xã Châu Đốc (An Giang) luôn gặp khó khăn. Ảnh: Huỳnh Xây
Một số tuyến đê bao đầu tư chưa đồng bộ, hoàn chỉnh khiến việc sản xuất của vùng luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép của lũ trong vụ lúa thu đông. Trong khi đó, việc kiểm tra, duy tu sửa chữa tuyến đê bao trên rất tốn kém và phức tạp. Theo ngành chức năng 3 địa phương trong vùng, thời gian qua, cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ của các địa phương không giống nhau nên việc vận hành các công trình để đáp ứng nhu cầu chung gặp khó khăn, bất cập.
“TGLX là vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Hạ tầng chưa khép kín đã làm cho vùng gánh chịu hậu quả rất nặng nề của thiên tai. Vì vậy, rất cần 1 hệ thống hạ tầng chung. Chẳng hạn, có đường thoát lũ từ kinh Trà Sư (An Giang) đến kinh Tha La (Kiên Giang) dài 45km, có hệ thống giao thông nội đồng kiên cố đảm bảo làm 2 vụ lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản” – ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT An Giang nói.
Gấp rút trình đề án lên Chính phủ
Liên quan đến thực trạng trên, các địa phương đã báo cáo và được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương xây dựng dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng TGLX. Do đây là dự án lớn nên Phó Thủ tướng giao cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề án. Về đề án trên, ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định là hết sức cần thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị có liên quan, từ tháng 2 đến hết ngày 10.3, phải gửi ý kiến đóng góp về đề án trên để từ đó tổng hợp, hoàn thiện đề án. Ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Với nhiệm vụ được giao, sau khi nhận được các báo cáo cụ thể về thực trạng cũng như các đề xuất từ các địa phương và các đơn vị có liên quan, Ban sẽ khẩn trương hoàn thiện đề án gửi Bộ NNPTNT thẩm định, báo cáo với Chính phủ”.
“Đề án này không phải chỉ để đối phó với hạn và mặn trong năm nay, mà nhằm phát triển lâu dài về đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng vùng TGLX” – ông Quang nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.