Đơn vị quản lý sân Mỹ Đình nói gì về thông tin chai nước lọc có giá “cắt cổ”?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 15/11/2019 14:51 PM (GMT+7)
Nhiều khán giả có mặt tại sân vận động bày tỏ bức xúc khi đồ ăn, nước uống được bán trong sân với giá "cắt cổ" nhưng không rõ người bán hàng đến từ đâu, được ai cấp phép.
Bình luận 0

Tối 14/11, đội tuyển Quốc gia Việt Nam đã đánh bại đối thủ UAE (vòng loại World Cup 2022) với tỷ số 1-0, qua đó vươn lên dẫn đầu bảng G. Sau trận đấu, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ bài viết trên Facebook của tài khoản Nguyen Khanh Trinh với nội dung lên án hành vi “chặt chém” giá hàng hóa bên trong sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

img

Các quầy bán hàng hóa bên trong sân Mỹ Đình bán giá các sản phẩm tăng lên nhiều lần trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam- UAE tối 14/11. Ảnh: K.T

Cụ thể tài khoản Nguyen Khanh Trinh viết: "Bên ngoài sân vận động, các gánh hàng rong vẫn bán 5.000-10.000 đồng một chai nước, 10.000 đồng một quả trứng hay cái bánh bao. Nhưng chỉ cách đó 50 m, hoàn toàn trong khuôn viên của sân vận động, vài chục quầy hàng đồng loạt tăng giá gấp 5-6 lần: 30.000-50.000 đồng một chai nước, 40.000-50.000 đồng một cái bánh. Còn giá gửi xe bụi là 400.000 đồng cho ôtô".

Bài viết của Nguyen Khanh Trinh nhanh chóng nhận được hơn 1.000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ tới các diễn đàn khác. Nhiều người sau đó bức xúc về việc đồ ăn, nước uống được bán trong sân với giá "cắt cổ" nhưng không rõ người bán hàng đến từ đâu, được ai cấp phép.

Anh Nguyễn Hoàng V. (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cùng với các thành viên của gia đình đến sân Mỹ Đình theo dõi, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tối 14/11. Khi đi anh V. vào bên trong sân thấy khát nước và ra quầy hàng ở trong sân mua nước, đồ ăn.

“Lúc đó tôi ra quầy hàng ở bên hành lang khán đài mua một chai nước lọc với giá 30.000 đồng, 50.000 đồng cho một chiếc bánh mì xúc xích. Biết là giá cao nhưng do tôi khát nước và không còn phương án nào khác nên bắt buộc phải mua”, anh V. nói.

Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết, các quầy hàng kinh doanh đồ ăn, nước uống trong sân vận động đều được sự cho phép của ban quản lý sân thông qua hình thức cho thuê mặt bằng kinh doanh. Hiện tại, đơn vị chỉ cho thuê mặt bằng chứ không quản lý hoạt động kinh doanh.

Theo ông Tiến, trước đây, đơn vị giao cho công đoàn quản lý các quầy hàng, bán các sản phẩm cho người hâm mộ trong mỗi trận đấu. Nhưng sau đó, việc bán hàng không hiệu quả và không có người làm nên đơn vị thôi và cho thuê lại mặt bằng. Nguồn thu từ cho thuê mặt bằng được nộp vào ngân quỹ của cơ quan để tự chủ tài chính.

Nhiều ý kiến phản ánh về việc chai nước lọc bán trong sân đội giá lên đến 5-6 lần (chai nước giá 5.000 đồng đội lên thành 30.000 đồng), ông Tiến thừa nhận có việc các quầy hàng có bán giá cao hơn nhưng cho rằng người bán cũng phải bỏ vốn và nhân công, rồi "chi phí nọ, chi phí kia" nên phải tính cả vào phí dịch vụ.

Về giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này, ông Tiến cho hay, sẽ gặp gỡ, trao đổi với các đối tác kinh doanh và yêu cầu niêm yết giá sản phẩm để người dân biết trước và đưa ra lựa chọn cho phù hợp.

Ông Tiến cho biết thêm, hiện nay lực lượng chức năng vẫn cho người dân mang nước uống thức ăn vào trong sân, nhưng nước uống phải bỏ vào túi ni lông. Chính vì vậy, để tránh mua các sản phẩm với giá cao, người dân nên chủ động mang theo nước uống, đồ ăn.

Bố cầu thủ Tiến Linh mải trông xe không biết con trai ghi siêu phẩm vào lưới UAE

"Đến lúc ti vi quay chậm lại thì tôi mới tin đó là Tiến Linh ghi bàn thắng và cả quán cà phê nhà tôi hô vang, hò reo,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem