“Đóng băng” 21.000ha đất quanh dự án sân bay Long Thành

Trần Thế Thứ tư, ngày 30/08/2017 06:40 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo địa phương quản lý chặt khu vực 21.000ha đất ven dự án sân bay quốc tế Long Thành, hạn chế cho tách thửa đất để tránh tình trạng phân lô bán nền gây xáo trộn nơi này...
Bình luận 0

Đây hiện là một trong hàng loạt công việc đang được các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai khẩn trương triển khai nhằm kịp hoàn thành báo cáo nghiên khả thi dự án sân bay quốc tế Long Thành, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Giữ nguyên hiện trạng

img

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu thực tế tại khu vực dự án sân bay Long Thành.  Ảnh: T.Đ

Theo Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, sau khi rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) các nội dung phải thực hiện, tổng kinh phí đầu tư để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo mức tính toán mới là 25.460 tỷ đồng. Kinh phí này này chủ yếu dành cho công tác bồi thường là 17.411 tỷ đồng và xây dựng các khu tái định cư gần 7.000 tỷ đồng… So với tổng mức khái toán trước đây, số vốn tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng. 

Đầu tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Long Thành, ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, lo ngại trước thực trạng giá đất “nhảy múa” quanh khu vực xây dựng sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này.

Cùng với chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện huyện Long Thành đã siết chặt việc tách thửa, phê duyệt các dự án, nhất là dự án khu dân cư ở vùng ven sân bay Long Thành. Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân cho biết, dù vùng lõi sân bay đã được giữ quy hoạch tốt, nhưng giá đất vùng ven dự án vẫn bị đẩy lên quá cao. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng của dự án này.

Thực tế hiện nay, thị trường đất đai xung quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành đang nhiễu loạn đến mức khó kiểm soát. Ông Ân cho rằng, đây là hoạt động “ăn theo” dự án của giới đầu cơ nhà đất, tung nhiều thông tin không xác thực để lôi kéo người mua đất.

Hiện, phần lớn khách hàng giao dịch, mua đất đầu cơ trong thời gian qua tại vùng ven sân bay Long Thành đều là người ngoại tỉnh, gây nên tình trạng đất sốt giá ảo. “Cá biệt, một số cá nhân đã tự ý gom đất nông nghiệp của người dân rồi “vẽ” ra các quy hoạch nhằm phân lô bán nền. Nếu không kiểm soát chặt thì tình hình sẽ càng thêm phức tạp”- ông Ân cho biết.

Đại diện Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cũng nhận định, phải có biện pháp kiểm soát chặt để không gây ra tác động tiêu cực cho công tác xác định giá đất bồi thường khi thực hiện dự án đền bù, di dời dân trong vùng lõi sân bay.

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành và UBND huyện Long Thành về tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, không chỉ “đóng băng” đất với 21.000ha xung quanh sân bay mà còn mở rộng sang cả huyện Nhơn Trạch.

Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh tham mưu để tỉnh sớm ban hành văn bản công bố định vị quy hoạch vùng phụ cận sân bay Long Thành. Ông Ân cho biết, hiện huyện mới chỉ có quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Việc quy hoạch vùng sân bay trước đây thuê đơn vị tư vấn trong nước thực hiện, song do năng lực đơn vị tư vấn hạn chế nên quy hoạch này không đáp ứng được yêu cầu, cần phải thực hiện lại.

Nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ

Cùng với việc giữ ổn định đất đai vùng ven sân bay Long Thành, việc giải phóng mặt bằng và chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư cho hơn 15.000 khẩu đang được tỉnh Đồng Nai gấp rút thực hiện. Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ xây dựng 2 khu tái định cư đảm bảo sắp xếp đủ chỗ ở cho người  dân với mục tiêu “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. UBND huyện Long Thành cho biết, các hộ dân bị giải tỏa trắng để thu hồi đất làm sân bay sẽ được bố trí vào 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn. Đây là 2 khu tái định cư mà Đồng Nai đã lên phương án từ trước nhằm phục vụ việc di dời dân với kinh phí gần 7.000 tỷ đồng.

Theo đó, 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn sẽ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Bên cạnh đó, các công trình công cộng, gồm: Trường học từ bậc mầm non đến THCS, các trạm y tế sẽ được bố trí trong quy hoạch chi tiết từng khu, các cơ sở tôn giáo bị giải tỏa sẽ được xây dựng lại tại nơi mới. Ngoài ra, trong quy hoạch, tỉnh còn dành 50ha đất phục vụ việc xây dựng nghĩa trang để bố trí di dời các ngôi mộ bị giải tỏa cũng như an táng người qua đời. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem