Dự án sát thực tế
Ea Trang, huyện M'Đrăk (Đăk Lăk) là một xã có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình đồi dốc, hạn hán lũ lụt thường xuyên khiến cho việc sản xuất của người dân Ea Trang hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Thế nhưng, khảo sát mới đây của chính quyền địa phương, so với đầu năm tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đến 9,13%.
Trả lời chúng tôi về con số đáng chú ý này, ông Y Đôi Niê - Chủ tịch UBND xã cho biết, đấy chính là nhờ các chính sách giảm nghèo, các dự án đầu tư về cho xã rất sát với thực tế.
"Trước những khó khăn của xã trong công tác giảm nghèo, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp tới từng hộ gia đình"- ông Y Đôi cho biết.
Anh Lưu Văn Đức (buôn Cuôr, xã Ea M'Roh) thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi gà. (ảnh: Duy Hậu)
Cũng theo ông Y Đôi, chính nhờ biết được nhu cầu thực tế của người dân mà khi sự hỗ trợ của Nhà nước đã đi "trúng đích", tạo "đòn bẩy" giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống kinh tế.
Anh Triệu Văn Sình (thôn Ea Boa, xã Ea Trang) cho biết, những năm trước nhờ nguồn vốn của dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo trong Chương trình 135, gia đình anh nhận được hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Từ một con bò ban đầu, sau 4 năm anh đã có đàn bò 7 con. Do điều kiện chăn thả khá thuận lợi, lại thêm được địa phương giúp đỡ về kỹ thuật nên đàn bò của anh sinh trưởng phát triển rất tốt.
"Giờ mỗi năm gia đình đã bắt đầu có tiền dôi dư, thu nhập hàng năm tăng lên so với trước đây hàng chục triệu đồng"- anh Sình nói.
Kịp thời đưa chính sách về cho hộ nghèo
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đăk Lăk, những năm qua công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy chính quyền hết sức quan tâm. Chính vì vậy khi có các chính sách về giảm nghèo, cơ quan chức năng đều triển khai một cách đồng bộ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành.
Nhờ đó, chương trình giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành,… từ đó đã đạt được cơ bản các chỉ tiêu đặt ra: Cơ sở hạ tầng xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch,… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.
Ở đây thiên tai thường xuyên nên nếu chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp dân không thể giàu lên được. Nhờ Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản mà giờ tôi mới thoát nghèo”.
Anh Hứa Văn Cờ |
Giai đoạn 2016-2020, ngoài ngân sách nhà nước, các cấp ngành cũng tập trung huy động đóng góp từ người dân để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 24.412 hộ thoát nghèo. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 50.322 hộ xuống còn 37.067 hộ, bình quân hàng năm giảm gần 4%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 13,37%, bình quân giảm 4,46%/năm.
Cũng theo đánh giá của Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Lăk, trong 3 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương chính sách, việc hỗ trợ sát với nhu cầu thực tế của người dân nên tỷ lệ giảm nghèo của năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2919 tỷ lệ hộ nghèo dự kiến sẽ giảm từ 3,46% trở lên. Trong đó vùng đồng dân tộc thiểu số giảm và các xã đặc biệt khó khăn sẽ giảm từ 4,3%, cơ bản không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách ưu đãi người có công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.