Động cơ đáng sợ sau những lời thú nhận dồn dập có lính phương Tây chiến đấu chống lại Nga ở Ukraine
Động cơ đáng sợ sau hàng loạt lời thú nhận có lính phương Tây chiến đấu chống lại Nga ở Ukraine
Phương Đăng (theo Anti War)
Thứ năm, ngày 21/03/2024 20:35 PM (GMT+7)
Sau 2 năm kiên quyết phủ nhận, chỉ trong khoảng thời gian vài tuần trong tháng 2 và tháng 3, đã có một loạt lời thừa nhận và tiết lộ từ các quan chức phương Tây rằng, có binh lính NATO đang chiến đấu ở Ukraine để giúp Kiev chống lại Nga. Câu hỏi đặt ra là động cơ đằng sau những lời thú nhận bất ngờ trên là gì?
Theo Anti War, từ lâu, ai cũng rõ phương Tây đã tài trợ cho Ukraine tiền bạc, vũ khí, giúp đào tạo, bảo trì vũ khí, cung cấp thông tin tình báo về mục tiêu, vị trí và các điểm yếu của các lực lượng Nga, thậm chí cũng giúp Kiev hoạch định kế hoạch tác chiến.
Họ đã cung cấp cho Ukraine mọi thứ trừ binh lính. Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định quân đội Mỹ “không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine”. Phương Tây từ lâu kiên quyết phủ nhận việc họ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hoặc họ có quân đội đang chiến đấu ở Ukraine.
Tuy nhiên, sau 2 năm kiên quyết phủ nhận, chỉ trong khoảng thời gian vài tuần vào tháng 2 và tháng 3, đã có một loạt lời thừa nhận và tiết lộ từ các quan chức phương Tây rằng, có binh lính NATO đang chiến đấu ở Ukraine để giúp Kiev chống lại Nga. Câu hỏi đặt ra là động cơ đằng sau những lời thú nhận bất ngờ trên là gì?
Thông tin lính phương Tây hiện diện ở Ukraine được tiết lộ bắt đầu bằng việc rò rỉ bản ghi âm lại cuộc trò chuyện bị chặn ngày 19/2 giữa các quan chức cấp cao của lực lượng không quân Đức. Bản ghi âm tiết lộ rằng Vương quốc Anh đã triển khai binh sĩ trên mặt đất ở Ukraine. Cuộc trò chuyện giữa các quan chức Đức dường như cũng đề cập đến Mỹ. Theo đó, một quan chức đã nói: “Người ta biết rằng ở đó có rất nhiều người mặc trang phục dân sự nhưng nói giọng Mỹ”.
Vào ngày 26/2, một báo cáo của New York Times đã tiết lộ những người mặc thường phục đó có thể là ai. Hơn 200 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức đã tiết lộ cho New York Times rằng “nhiều” quan chức CIA đang ở Ukraine để “giúp đỡ người Ukraine” bằng cách cung cấp “thông tin tình báo cho các cuộc tấn công bằng tên lửa có chủ đích” của Kiev cũng như “hỗ trợ tình báo cho các hoạt động tấn công chống lại lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraine”.
Vào ngày 26/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mở rộng danh sách nước phương Tây có binh sĩ hiện diện ở Ukraine khi nhắc đến Pháp. Ông Scholz đã bảo vệ quyết định không gửi tên lửa Taurus tới Ukraine bằng cách giải thích rằng, điều đó sẽ yêu cầu sự hiện diện của quân nhân Đức ở Ukraine, tương tự các đối tác Anh và Pháp của họ.
“Những gì người Anh và người Pháp đang thực hiện (ở Ukraine) là kiểm soát mục tiêu nhưng những gì đi kèm với việc kiểm soát mục tiêu thì Đức không thể thực hiện được”, ông Scholz nhấn mạnh.
Và vào ngày 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski thậm chí thẳng thừng thừa nhận rằng “các quân nhân NATO đã có mặt ở Ukraine”.
“Binh lính NATO đã có mặt ở Ukraine. Và tôi muốn cảm ơn những quốc gia đã chấp nhận rủi ro đó. Nhưng ngược lại với các chính trị gia khác, tôi sẽ không liệt kê những quốc gia đó”, ông Sikorski nói.
Mặc dù giận dữ và chỉ trích những tuyên bố của ông Scholz, cả Anh và Pháp đều không phủ nhận tiết lộ của Thủ tướng Đức. Thậm chí, Văn phòng Thủ tướng Anh thừa nhận, họ có quân đội trên bộ ở Ukraine với tuyên bố: “Ngoài số lượng nhỏ nhân sự mà chúng tôi có ở Ukraine để hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước này, chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch triển khai quy mô lớn nào".
Một câu hỏi đặt ra là những lời thú nhận bất ngờ, dồn dập trên có động cơ gì? Theo Anti War, có ít nhất 4 khả năng.
Khả năng ít đáng sợ nhất là, những người ủng hộ Ukraine đang cố gắng chứng minh rằng họ đã làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine: thậm chí đưa quân tới nước này chiến đấu. Khả năng này cũng được coi là sự thừa nhận rằng phương Tây đã thua trong cuộc chiến ở Ukraine.
Khả năng ít đáng sợ thứ 2 là những rò rỉ và tiết lộ dồn dập nhằm mục đích gây áp lực buộc Mỹ và một số nước châu Âu gửi thêm viện trợ tài chính lẫn vũ khí cho Ukraine vì lựa chọn viện trợ như vậy sẽ hợp lý, ít rủi ro hơn là mạo hiểm vượt qua ranh giới đỏ để đưa quân vào Ukraine.
Khả năng ít đáng sợ thứ 3 là phương Tây đang cố gắng đánh lạc hướng Nga, khiến Moscow mơ hồ về chiến lược của phương Tây. Tờ báo Le Monde của Pháp dẫn lời thú nhận của “văn phòng của Tổng thống Macron rằng, mục đích của động thái trên là để khiến Moscow "mơ hồ về chiến lược" của phương Tây đối với Ukraine.
Khả năng đáng sợ nhất là phương Tây rất nghiêm túc về việc binh lính NATO đã có mặt ở Ukraine đồng thời đang báo hiệu khả năng gửi thêm quân tới chiến trường này. Phương Tây thậm chí có thể đang thăm dò phản ứng của Nga khi muốn xem liệu một khi Moscow biết rằng đã có binh sĩ NATO hiện diện ở Ukraine, họ có leo thang xung đột và lôi kéo phương Tây vào cuộc chiến hay không. Từ đó, phương Tây có thể quyết định triển khai thêm quân. Theo Anti War, nếu đúng thì đây là một rủi ro nguy hiểm và khó tính toán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.