Đá rơi từ trên núi xuống sau khi động đất liên tiếp xảy ra tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Ảnh CTV.
Khoảng 8h18 sáng nay (25/11), một trận động đất với độ lớn 5,4 độ richter xảy ra tại địa phận huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tọa độ ghi nhận của trận động đất này là 22,852 độ vĩ Bắc-106,618 độ kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km.
Trận động đất này khiến nhiều quận ở Hà Nội như Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm… cảm nhận rõ được sự rung lắc, nhất là những khu vực nhà cao tầng. Ngoài ra, một số tỉnh thành ở phía Bắc như Lạng Sơn, Hải Dương… cũng cảm nhận được sự rung lắc, thậm chí hiện tượng rung lắc diễn ra 2-3 lần.
Đến 10h51 sáng cùng ngày, tiếp tục có thêm một trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trận động đất này có độ lớn 3,8 độ richter và xảy ra tại tọa độ 22.810 độ vĩ Bắc, 106.620 độ kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Chưa dừng lại, đến khoảng 12h31, thêm một trận động đất có độ lớn 2,8 richter xảy ra tại khu vực tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng khoảng 1,6 km), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.
Như vậy, chỉ trong vòng một buổi sáng 25/11, người dân quanh khu vực Cao Bằng phải chịu ảnh hưởng của 3 trận động đất.
PGS.TS Cao Đình Triều,
nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu
|
Lý giải về điều này, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay: “Khu vực Trùng Khánh (Cao Bằng) nằm trên đới đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên (Quảng Ninh). Đới đứt gãy này được các nhà địa chấn học xác định có khả năng phát sinh động đất.
Đới đứt gãy này kéo dài sang cả bên Trung Quốc, tuy nhiên, Trùng Khánh được xem là trọng tâm xảy ra động đất của đới đứt gãy”.
PGS.TS Triều cho biết thêm, trước đấy, các nhà địa chấn học đã quan sát được trên đới Cao Bằng – Tiên Yên có động đất. Độ lớn max được dự đoán trong khoảng từ 5,5-6 độ richter. Vì vậy, theo ông, trận động đất 5,4 độ richter xảy ra sáng nay là khá lớn.
Và ông cũng cho rằng, trong ngày nay và ngày mai khả năng có một loạt dư chấn xảy ra trên đới đứt gãy này bởi theo quy luật, khi có một trận động đất lớn xảy ra thì sau đó sẽ có hàng loạt dư chấn. Thậm chí, có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn dư chấn nhưng độ lớn của các dư chấn giảm dần và nhiều dư chấn chỉ có máy móc mới ghi được.
PGS.TS Cao Đình Triều giải thích thêm rằng, đới đứt gãy nào cũng có thời gian tích lũy và hoạt động. Khu vực này chưa quan sát được trước đó có trận nào lớn hay không nên chưa biết chu kỳ bao nhiêu năm mới có một trận động đất lớn xảy ra.
Tuy nhiên, ở Tây Bắc khoảng 50 năm mới có 1 trận tại 1 điểm như vậy. Đới Cao Bằng – Tiên Yên hoạt động yếu hơn các đới khác nên tần suất xuất hiện một trận động đất lớn tương tự khả năng là lâu hơn.
Liên tiếp 2 trận động đất cùng xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) trong buổi sáng 25/11.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.