Dông lốc đầu mùa hoành hành miền Tây

Huỳnh Xây-Chúc Ly Thứ năm, ngày 09/06/2016 06:16 AM (GMT+7)
Dù mới bước vào mùa mưa, nhưng mưa lớn, kèm theo dông gió, lốc xoáy kéo dài đã làm ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận 0

Nhà sập, tàu chìm

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa nhưng tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu… đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng; hàng trăm căn nhà bị sập, tốc mái; nhiều tàu thuyền bị nhấn chìm… gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

img

Tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành A, Hậu Giang diễn biến phức tạp.  Ảnh: Huỳnh Xây             

Tại Bạc Liêu, cơn mưa lớn kéo dài kèm gió lốc xoáy cực mạnh (trong ngày 30 đến rạng sáng 31.5) đã làm sập và tốc mái gần 60 căn nhà, trong đó những nơi bị thiệt hại nặng nhất là huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân. Còn theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) tỉnh Kiên Giang, từ đầu tháng 5 đến nay, mưa lớn kèm lốc xoáy, gió giật mạnh đã làm đổ sập, tốc mái trên 400 căn nhà; sét đánh gây cháy nhà làm chết 2 người và nhấn chìm nhiều tàu cá, tàu vận tải hàng hóa trên biển, thiệt hại hàng tỷ đồng.

 Mưa lớn kéo dài hơn 1 tuần qua đã làm hàng chục ngàn ha lúa bị ngập, hàng trăm căn nhà bị sập, đường sá bị sụt lún từ Kiên Giang cho đến Cần Thơ. Theo dự báo của Ban chỉ huy PCTTTKCN các địa phương, thời tiết những ngày tới sẽ diễn biến bất thường, người dân cần chủ động phòng tránh mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy, sấm sét, sạt lở… nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra. 

Trước đó, trong 3 ngày (từ 24 – 26.5), trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng có mưa to kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm sập 92 căn nhà; 63 nhà dân và 3 phòng học ở 12 huyện, thị, thành phố cũng bị tốc mái. Trên vùng biển xã Lại Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải) sóng to, gió lớn liên tục đã nhấn chìm 4 tàu câu mực, 1 ghe cào của ngư dân, 1 phương tiện vận tải hàng hóa...

Tương tự, dông lốc đã khiến địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 6 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 83m, diện tích mất đất bờ sông khoảng 328m2. Bà Nguyễn Thị Phúc Uyên, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A lo lắng nói: “Toàn bộ con đường bê tông trước nhà tôi vừa đổ sụp xuống sông. Đoạn đường này đã có dấu hiệu nứt hơn tháng nay, dù gia đình tôi và các nhà xung quanh đã xây bờ kè để chống lở nhưng không có tác dụng”.

Chủ động đề phòng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phước Đại – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng PCTTTKCN tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, kiểm tra số liệu và khả năng con số thiệt hại do mưa, dông lốc đầu mùa gây ra sẽ còn lớn hơn nữa”.

Nhận định về tình hình thời tiết bất thường, ông Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích: Thời gian qua, mực nước các sông ở đồng bằng sông Cửu Long cạn hơn những năm trước dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa mặt nước và bề mặt đê bao ngày càng tăng và dần hình thành các vết nứt.

“Gần đây, mưa xuất hiện, lượng nước mưa này đã len lỏi vào các vết nứt trước đó, kết hợp các tác nhân như với dòng chảy mạnh, nền địa chất yếu (hậu quả của quá trình khai thác cát bờ sông) đã làm cho tình trạng sạt lở xảy ra nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Để hạn chế tình trạng trên cũng như giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, khoanh vùng để cảnh báo cho người dân biết di dời nhà cửa…” – ông Tuấn cảnh báo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem