LTS: Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu được xem là “thủ phủ” cây ăn trái. Nơi đây cung ứng hàng loạt mặt hàng trái cây đặc sản nức tiếng trong và ngoài nước. Thế nhưng, vài năm gần đây, nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: Chôm chôm Java, sầu riêng cơm vàng hạt lép, vú sữa Vĩnh Kim... sụt giảm sản lượng nghiêm trọng, nhiều diện tích cây ăn trái bị nhà vườn đốn bỏ do hiệu quả kinh tế không cao, cây bị lão hóa... Thực trạng này là hồi chuông báo động cho vùng cây ăn trái miền Tây.
Bài 1: Khô héo vì hạn, mặn tấn công
Trên đất cù lao (cồn), trái cây đặc sản đặc biệt ngon hơn khi được cung cấp đủ dưỡng chất phù sa màu mỡ. Đợt đại hạn, mặn vừa qua đã khiến cho hàng nghìn ha diện tích bị thiệt hại, cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn.
Vườn sầu riêng lâu năm ở ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
bị khô héo. Ảnh: Huỳnh Xây
Cây chết do hạn mặn
2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nổi tiếng là “vương quốc” của cây sầu riêng với nhiều vườn cây lâu năm và cho trái say. Thế nhưng, phần lớn vườn cây nơi đây đều khô cành, rụng lá, rụng trái và chết dần.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Củi ở ấp Thái Bình, xã Thanh Bình cho biết: Gia đình anh có 100 gốc sầu riêng có trên 10 năm tuổi bị chết dần do mặn tấn công. “Các gốc sầu riêng đều có chung cảnh ngộ là chết héo, trái teo tóp và thối dần. Năm nay coi như không thu hoạch được, phải đợi tới năm sau (1 năm, sầu riêng chỉ ra trái 1 lần)” - ông Củi buồn so nói.
Cũng như trường hợp anh Củi, gia đình anh Nguyễn Văn Kia (ấp Lăng, xã Thanh Bình) cũng có 50 cây sầu riêng bị ảnh hưởng bởi mặn. Anh Kia chia sẻ: “Tôi có đến hàng chục cây sầu riêng bị đổ lá và chết dần. Không chỉ có vườn nhà tôi mà rất nhiều vườn cây lân cận bị thiệt hại. Loại cây này chỉ chịu được mặn từ 2-3 ‰, nhưng có lúc nơi đây độ mặn lên đến 5 ‰”.
Theo phóng viên tìm hiểu, từ Tết Nguyên đán 2016 đến nay, nhiều đợt mặn xuất hiện đã làm xã Thanh Bình bị thiệt hại 340ha, còn xã Quới Thiện bị thiệt hại 270ha. Trong đó, những diện tích bị thiệt hại có năng suất giảm từ 60-70% hoặc bị chết hoàn toàn.
Theo UBND huyện Vũng Liêm, khác với cây lúa, nếu bị thiệt hại do mặn có thể vụ sau sản xuất lại và mất chỉ khoảng 3 tháng, còn vườn sầu riêng lâu năm rất khó khắc phục, phải đợi cả chục năm.
“Chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên cập nhật thông tin độ mặn, thời tiết để hỗ trợ người dân giảm bớt thiệt hại do mặn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo thực hiện một số công trình đưa nước ngọt tại 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện” – ông Hồ Công Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm nói.
Cây chủ lực bị đốn làm… củi
Cũng như sầu riêng, cây chôm chôm cây chủ lực của cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cũng đang “thoi thóp” chờ… cưa lấy gỗ. Thay vì cho sản lượng khoảng 20-25 tấn trái/năm, 0,9 ha chôm chôm của bà Phạm Thị Mến, ấp Tấn Quy 2 lại rụi tàn. Năm nay, gia đình bà coi như bị thất thu trắng. Trước tỉnh cảnh trên bà đã chọn phương án đốn hạ để tìm cây trồng khác.
“Vườn chôm chôm bị rụng lá, rụng trái dần, coi như trắng 100%. Cây bị nhiễm mặn nhìn còi cọc, dưỡng không được nên tôi cưa bán củi đầu tư trồng lại cây khác để sống” - bà Mến ngao ngán thở dài.
Không riêng gì gia đình bà Mến mà có nhiều hộ khác như Nguyễn Văn Bàn, Bùi Văn Công, Phan Quốc Nhu, Nguyễn Văn Kích, Lương Văn Lẻ… đã đốn bỏ diện tích chôm chôm có từ 20-40 năm tuổi để trồng lại cây trồng khác như đu đủ, chanh…
Ông Lê Văn Bé - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết: “Có hộ chỉ thu được 300 kg/6 công; cũng có hộ thu được từ 4 - 5 tấn/ha nhưng trước kia bình quân 20-25 tấn. So với năm 2015 thì năm nay bị thiệt hại trên 80%”.
Đến nay, diện tích chôm chôm bị thiệt hại ở cù lao Tân Quy là 257,3ha của 519 hộ dân ở 2 ấp Tân Quy 1 và Tân Quy 2. Trong đó có gần phân nửa diện tích bị thiệt hại trên 70%. Ngoài việc bị mặn xâm nhập, gây thiệt hại, nguyên nhân khiến cho người dân quyết tâm đốn hạ cây chủ lực của địa phương là do trước đó nhiều vụ người dân bán chôm chôm với giá thấp.
Theo Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè, cù lao Tân Quy nằm giữa dòng sông Hậu, nhờ được bồi đắp phù sa màu mỡ nên vườn cây ăn trái nơi đây rất trù phú. Đặc biệt là cây chôm chôm với khoảng 276 ha, (chiếm hơn 90% diện tích chôm chôm toàn tỉnh). Đây là loại trái cây nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, được nhiều địa phương ĐBSCL biết đến bởi vị ngọt thanh, cơm dày và tróc hột, hiếm có địa phương nào có được.
Để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại cũng như tránh tình trạng chôm chôm trên đất cù lao Tân Quy bị “xoá sổ”, ông Trương Thanh Đệ - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Kè cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị tỉnh xem xét thi công các công trình trữ ngọt phục vụ cho việc sản xuất của người dân trên cù lao. Đồng thời, kiến nghị Sở NNPTNT tỉnh mời các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam đến khảo sát, tư vấn giúp nhà vườn”.
Không tổ chức Ngày hội trái cây vì hạn, mặn
Theo UBND tỉnh Bến Tre, Ngày hội trái cây ngon, an toàn lần thứ 16 năm 2016 sẽ không được tổ chức. Nguyên nhân là do hạn, mặn khiến tỉnh Bến Tre không còn nhiều trái cây ngon, cây giống chất lượng cao để trưng bày, giới thiệu. Theo thống kê, hạn, mặn gây hại cho trên 8.800ha cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre. Riêng huyện Chợ Lách – đơn vị được giao tổ chức Ngày hội trái cây ngon, an toàn hàng năm có đến 2.000ha cây ăn trái giảm năng suất và chất lượng; hơn 350.000 cây giống bị chết và cháy lá (ước tổng thiệt hại hơn 32 tỷ đồng). Được biết, Ngày hội trái cây ngon, an toàn được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ (ngày 5.5 âm lịch), thu hút rất đông đảo khách tham quan.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.