Đồng minh ruột của Nga ở châu Âu tiết lộ lý do không tấn công Ukraine để giúp Moscow
Đồng minh ruột của Nga ở châu Âu tiết lộ lý do không đối đầu trực tiếp với Ukraine để giúp Moscow
Phương Đăng (theo Pravda)
Thứ bảy, ngày 13/04/2024 09:34 AM (GMT+7)
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin tuyên bố nước ông sẽ không tham gia cuộc chiến chống Ukraine. Lý do là vì Ukraine đã xây dựng các công sự, bãi mìn dày đặc và điều lực lượng quân sự đông đảo trấn giữ ở biên giới với Belarus.
Trả lời phỏng vấn trên truyền thông mới đây, ông Lukashenko nhấn mạnh: "Nếu lúc này chúng ta tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine, điều đó sẽ chẳng ích gì. Bởi vì họ (người Ukraine) đã củng cố biên giới với Belarus nên chúng tôi không thể đến đó".
Theo ông Lukashenko, biên giới Belarus-Ukraine đã được đặt mìn dày đặc và bê tông hóa hoàn toàn. Ông cũng ước tính số lượng binh sĩ Ukraine ở biên giới Belarus là lên tới 120.000 người.
"Thực tế, họ (Ukraine) muốn gửi quân ở biên giới tới mặt trận để chống lại Nga và đưa quân Pháp đến đây. Chúng tôi đang chờ đợi xem sao", ông Lukashenko tuyên bố.
Theo Euromaidanpress, nhà lãnh đạo Belarus dường như đề cập đến những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, những người đã xác nhận có khả năng triển khai quân đội Pháp tới Ukraine để huấn luyện và đảm nhiệm các nhiệm vụ biên giới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 6/4 từng nhắc đến khả năng Nga thực hiện một cuộc tấn công mới từ Belarus. Nhà lãnh đạo Ukraine nhận định rằng, Ukraine hiện không nhận thấy mối đe dọa nào như vậy. “Về mặt chiến lược, chúng tôi không thấy bất kỳ kế hoạch, mối đe dọa hay khả năng nào từ Belarus cho đến nay”, ông nói. Đồng thời, Zelensky cho rằng người Nga nên biết rằng Ukraine đang xây dựng hệ thống phòng thủ đáng tin cậy ở biên giới phía bắc.
Trong khi đó, ông Lukashenka cũng cảnh báo Ukraine không nên tấn công các nhà máy lọc dầu ở Belarus, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Mozyr, nơi Nga đang bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh thâm hụt trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.