Giá heo hơi cao, chủ trại vẫn để chuồng cho nhện giăng tơ?
Đồng Nai: Giá heo hơi tăng cao, vì sao chủ trại vẫn để chuồng cho nhện giăng tơ?
Nguyễn Vy
Thứ năm, ngày 25/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giá heo hơi tại Đồng Nai đang duy trì mức cao, giúp nông dân có lời nhưng theo bà con, mức lãi này vẫn chưa đủ bù đắp thiệt hại trước đó. Cùng với dịch bệnh còn tiềm ẩn và nhiều khó khăn khác, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai muốn tái đàn nhưng không hề dễ dàng.
Sau tết, giá heo hơi bắt đầu giảm xuống còn từ 76.000 - 82.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 2, giá heo hơi ở mức cao nhất cũng chỉ còn 80.000 đồng/kg.
Sang đầu tháng 3, giá heo hơi tiếp tục giảm xuống quanh mức 78.000 đồng/kg.
Tại Công ty chăn nuôi C.P, giá heo hơi cũng giảm từ 78.500 đồng/kg xuống 77.500 đồng/kg, rồi 76.500 đồng/kg.
Sau tuần đầu tiên của tháng 3, giá heo hơi tại Đồng Nai tiếp tục giảm xuống còn 75.000 đồngkg, thậm chí có lúc chỉ còn 73.000 đồng/kg.
Thế nhưng gần cuối tháng 3, giá heo hơi lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo ghi nhận của PV, giá heo hơi tại khu vực miền Nam được thương lái thu mua từ 76.000-78.000 đồng/kg. Đáng chú ý, đến ngày 23/3, giá heo hơi ở TP. Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu của Đồng Nai bất ngờ tăng thêm 3.000 đồng, lên mức 80.000 đồng/kg.
Với nhiều hộ chăn nuôi, đàn heo bán được giá cao là điều kiện thuận lợi để tái đàn, tăng đàn nhằm kiếm lời. Nhưng với ông Đỗ Anh Triết ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), chuồng trại đến giờ vẫn trống không. Đồ nghề nuôi heo vứt chỏng chơ trong chuồng, mạng nhện bắt đầu giăng khắp nơi...
Ông Triết theo nghề chăn nuôi heo đã 10 năm. Trước đó, trại của ông thường xuyên duy trì tổng đàn với 100 heo nái, 1.000 heo thịt. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2019, ông Triết tiếp tục tái đàn, nuôi lại 20 con nái và hơn 100 con heo thịt.
Không may, đàn heo của ông tiếp tục nhiễm dịch tả heo châu Phi vào tháng 6/2020. Bị thiệt hại đau đớn, ông bỏ trống chuồng cho đến giờ và vẫn chưa quyết định tái đàn heo.
Theo ông Triết, lượng heo ở Đồng Nai tăng cao thời gian gần đây là do các công ty chăn nuôi lớn đẩy mạnh tái đàn. Thế nhưng giá heo hơi vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
"Cùng với giá heo giống cao, khó đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, một số hộ chăn nuôi ở xung quanh nhà tôi cũng đã chuyển sang các đối tượng vật nuôi khác do đến nay chưa có vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi", ông Triết kể.
Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) thừa nhận, tỉ lệ nông hộ tái đàn hiện nay vẫn còn thấp. Một số hộ muốn tái đàn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học hoặc tái đàn thử nghiệm số lượng ít để giảm thiểu rủi ro, rồi mới tăng dần.
"Với các hộ khác, chính quyền xã khuyến cáo nên chuyển sang các đối tượng vật nuôi khác để đảm bảo phòng chống dịch bệnh", ông Hải nói.
Khó chăn nuôi heo tập trung
Một năm sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi, bà Lý Hoàng Hương ở xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) mới bắt đầu gầy lại đàn heo mới, với 20 con heo nái và 200 heo thịt. Sau khi bán 100 con heo thịt với giá heo hơi 75.000 đồng/kg, bà thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Tưởng là sẽ phấn khởi vì số tiền lời giúp bà tiếp tục phát triển chăn nuôi, nhưng bà bảo "chẳng ăn nhằm gì!".
Bà Hương kể, thời điểm trước dịch tả heo châu Phi bùng phát (năm 2019), nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn vì giá heo hơi bán thấp chạm đáy, dẫn tới cuộc "giải cứu thịt heo" năm 2017. Đàn heo của bà cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó.
Vì thế, tuy giá heo hơi hiện bán ra ở mức cao nhưng bà Hương khẳng định vẫn chưa thể bù được những thiệt hại lúc trước.
Trước mắt, bà chỉ dám nuôi tiếp số lượng nhỏ, cứ bán tới đâu thì gầy đàn lại tới đó. Và tuyệt đối tuân thủ an toàn sinh học để tiếp tục duy trì nghề chăn nuôi nhỏ lẻ ngay tại nhà.
Trước đó, xã Bàu Cạn được huyện Long Thành quy hoạch riêng khu chăn nuôi tập trung với diện tích 56ha. Bà Phượng cho biết, người dân được khuyến cáo di dời chuồng trại nuôi vào khu tập trung để giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiện đại. Thế nhưng, bà và nhiều hộ nhỏ lẻ khác không muốn di dời chuồng nuôi vào đây.
Ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn cho biết, huyện và tỉnh đều có chủ trương khuyến khích chăn nuôi trong khu tập trung nhưng việc vận động người dân đang gặp khó khăn.
Theo ông Đông giải thích, đa số người chăn nuôi không có vốn để mua đất, đầu tư xây chuồng trại mới. Diện tích khu chăn nuôi tập trung 56ha, nếu chia cho hơn 450 hộ nuôi toàn huyện thì diện tích cho cho mỗi cơ sở chăn nuôi là rất nhỏ.
"Điều này làm người dân lo ngại không đảm bảo an toàn dịch bệnh", ông Đông nói.
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt khoảng 2,4 triệu con; gần bằng mức tổng đàn 2,5 triệu con trước dịch. Trong số đó, chăn nuôi trang trại đạt khoảng 90%.
Đồng Nai vẫn đang làm tốt công tác tăng đàn heo đặc biệt là ở các trang trại. Tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 660 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
"Riêng công tác tái đàn heo ở hộ nhỏ lẻ nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ quy mô, quy chuẩn về chuồng trại; cho đến khâu xử lý và bảo vệ môi trường", ông Trần Lâm Sinh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.