Chiều 11/3, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp nhân viên phòng khám thú y bị chó nghi bị dại cắn.
Cụ thể, trong lúc đang chăm sóc con chó Nhật khoảng 9 tháng tuổi, chị P.T.A.T (21 tuổi, ngụ tại phường Quang Vinh, TP. Biên Hoà) là nhân viên phòng khám thú y Cao Thọ tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom bị chó cắn vào ngón tay cái.
Sau khi bị cắn chị T, con chó có biểu hiện lên cơn co giật, tự cắn lưỡi, chảy máu miệng nên được chị T nhốt lại và báo người nhà đến mang về. Đến tối cùng ngày, con chó chết và người nhà đã báo cơ quan chức năng.
Hiện chị T đã được chích ngừa huyết thanh và vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai.
Anh T.M.P - chủ con chó cho biết, trước đó vào ngày 9/3, do con chó trên có biểu hiện mệt, ủ rũ, bỏ ăn nên anh mang đến phòng khám thú y Cao Thọ tại Trảng Bom để thăm khám và điều trị. Con chó được nhân viên tư vấn của phòng khám giữ lại để theo dõi.
Đến ngày 10/3, anh P nhận thông báo chó có biểu hiện dại và đã cắn 1 nhân viên phòng khám, nên anh đến mang chó về nhà.
Tối cùng ngày, con chó bị chết nên anh đã báo cho cơ quan chức năng. 2 con chó còn lại hiện đang được anh nuôi nhốt và tiếp tục theo dõi.
Cũng theo anh P, khoảng cuối tháng 2 anh có tự mua vaccine và chích cho cả 3 con chó trên. Thường ngày anh cũng có thói quen thả rông chó, không rọ mõm.
Sau khi chó chết, cả gia đình anh P cũng đã đi chích vaccine phòng dại.
Nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Trảng Bom phun khử trùng khu vực nhà anh H và khu vực lân cận, tiến hành điều tra dịch tễ những người nghi có tiếp xúc để hướng dẫn các biện pháp dự phòng.
Ông Bùi Văn Mạnh, Chi cục Chăn nuôi Thú Y tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin Chi cục thú y tỉnh đã tiến hành xuống nhà anh P để lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại, đồng thời tiến hành khử khuẩn, chôn lấp con vật trên theo quy định.
Lực lượng chức năng cũng đang điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn gốc dịch bệnh.
Ông Mạnh khuyến nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về bệnh dại để người dân biết cách phòng tránh, tiến hành thống kê đàn chó mèo trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng dại. Theo dõi chặt chẽ hai con chó còn lại của anh P, nếu phát hiện có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm thú y huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trước đó trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng đã có một trường hợp nhân viên thú y bị chó dại cắn, như vậy chỉ từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hai trường hợp nhân viên phòng khám thu y bị chó dại và nghi dại cắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.